Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tổng hợp ý kiến trao đổi và thảo luận buổi Xem phim & Tọa đàm "Cây trồng biến đổi gen: Thế giới Monsanto", ngày 29/06/2015

Tối ngày 29/06/2015, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Trường Đại học Mở Tp.HCM đã tổ chức buổi chiếu phim và tọa đàm với chủ đề: "CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN: THẾ GIỚI MONSANTO" và thu hút gần 100 khách mời quan tâm tham dự. Nội dung của cuốn phim này đặt trọng tâm vào Monsanto – công ty đa quốc gia Mỹ dẫn đầu ngành công nghệ sinh học trên thế giới – và các sản phẩm biến đổi gen đang được sử dụng rộng rãi. Tác giả của nó, bà Marie-Monique Robin (người Pháp) đã cất công thu thập thông tin và điều tra trong suốt 3 năm khắp mọi ngõ ngách, từ những cơ quan chức năng, cá nhân có quyền lực tối cao, các nhà khoa học, các hội đoàn đến người nông dân, để làm rõ nhiều vấn đề quan trọng: bằng cách nào Monsanto đã thành công trong việc đưa hạt giống biến đổi gen ra thị trường? Cây trồng gây ảnh hưởng ra sao lên sức khỏe, môi trường, kinh tế?

Cuốn phim được ra mắt khán giả Pháp trên đài truyền hình Arté Pháp vào năm 2008, thu hút hơn 1,6 triệu người xem, được dịch sang 15 thứ tiếng, chiếu trên 20 quốc gia. Phim gây ra sự chống trả mạnh mẽ từ Monsanto, nhưng cùng lúc cũng được báo chí quốc tế ca ngợi, được trao nhiều giải thưởng danh giá như « Umwelt-Medienpreis » (Đức), Rachel Carson Prize (Norway), Ekhôngfilm Festival of Cesky Kumlov (Czech Republic, 2009), ….


Quang cảnh buổi tọa đàm

Sau 1 giờ xem phim, cả khán phòng ngập tràn cảm xúc, nhiều người bày tỏ “rất sốc” khi xem bộ phim này và buổi tọa đàm diễn ra trong không khí hết sức sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt ra cho 3 vị khách mời tham gia chương trình.

 

TS. Nguyễn Văn Giáp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp


TS. Cao Xuân Dung, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trường ĐH Mở TpHCM


TS. Lê Thị Kính, nguyên phụ trách khoa Công nghệ Sinh học trường ĐH Mở TpHCM

Mở đầu là câu hỏi khá bức xúc dành cho TS. Nguyễn Văn Giáp:  “Những giống bắp biến đổi gen đầu tiên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép thương mại hóa và trồng đại trà tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, vấn đề sinh vật biến đổi gen (GMO) vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Vậy quan điểm của Chính phủ như thế nào mà ủng hộ cây trồng biến đổi gien. Với vai trò của mình, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp đã tư vấn cho Chính phủ như thế nào trước quyết định này?

Trả lời câu hỏi này TS Nguyễn Văn Giáp cho biết Viện Nghiên cứu Chính Sách Chiến lược của Bộ Nông Nghiệp là cơ quan chuyên môn tư vấn cho Bộ NN. Ngay trong Viện cũng có nhiều ý kiến bất đồng với nhau về biến đổi gen, không phải ai cũng ủng hộ. Riêng bản thân tôi không nghiên cứu về biến đổi gen, nhưng trong cơ quan tôi có chuyên gia nghiên cứu và có bài viết phản đối chính sách cho phép trồng thực phẩm biến đổi gen. Dữ liệu từ các nghiên cứu cho thấy các giống ngô biến đổi gen khi đưa vào Việt Nam để thử nghiệm thì năng suất không cao hơn các giống thường. Giống biến đổi gen đặc điểm là chống lại thuốc kháng cỏ, chứ không phải là năng suất tăng cao hơn so với giống ngô thường, và để tăng năng suất thì nông dân vẫn phải dùng nhiều phân bón và các đầu vào hơn như những giống ngô khác. Một số nghiên cứu về sự thích hợp của cây trồng biến đổi gen với nông dân nhỏ thì kết luận đều chưa chắc chắn. Ngay ở Viện chúng tôi cũng có những bài viết phản đối vấn đề này.

Còn về câu hỏi “Quan điểm của Chính phủ cũng như của Bộ tại sao lại ủng hộ biến đổi gen mà nó chưa được kiểm chứng rõ ràng ở Việt Nam?”, tôi cho rằng câu trả lời ít nhiều chúng ta đều có sau khi xem bộ phim này. Chúng ta đều thấy rằng các tập đoàn lớn có sức mạnh lớn ảnh hưởng đến chính sách, ảnh hưởng đến các nhà lập pháp. Mặc dù chúng ta không có các bằng chứng cụ thể cách ảnh hưởng của họ, nhưng chúng ta biết sức mạnh họ rất lớn. Tôi cũng giống như mọi người ở đây rất bất ngờ khi biết Bộ trưởng cho phép trồng cây biến đổi gen ở Việt Nam. Câu hỏi “Tại sao?” thì bản thân tôi không có bằng chứng và thông tin để trả lời. Lập luận của Bộ cũng giống như lập luận của các công ty đa quốc gia, như là sẽ tăng năng suất, sẽ tốt hơn giống ngô thường, nhưng chúng tôi biết rằng về mặt thống kê cũng chưa có sự khác biệt về năng suất so với giống ngô thường.

Hỏi: Viện có phải có chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách nông nghiệp cho Nhà nước phải không? Hướng sắp tới Viện có động thái nào, ủng hộ hay phản đối về việc đưa cây trồng biến đổi gen vào trồng tại Việt Nam?

TS Nguyễn Văn Giáp: Hiện nay Viện chưa đưa ra quan điểm chính thức ủng hộ hay phản đối. Với tư cach chuyên gia thì đa số đều có ý kiến phản đối thận trọng vì chúng ta biết rằng việc đưa các giống biến đổi gen vào có rủi ro rất cao và chứng minh sự khác biệt của nó ở Việt Nam cũng chưa . Về quan điểm chính thức, lãnh đạo Viện cũng chưa đưa ra quan điểm chính thức của mình, cũng như chưa có chương trình, lộ trình để chứng mình điều đó, đặc biệt Viện chúng tôi nghiên cứu kinh tế chính sách, nên chúng tôi không làm được những khảo nghiệm kỹ thuật. Viện chúng tôi đã có 1 chuyên gia thu thập bằng chứng và viết nên quan điểm của mình và có tiếng nói khá mạnh không đồng tình với việc đưa cây trồng biến đổi gen vào Việt Nam.

Hỏi: Nội dung của bộ phim có đề cập đến việc tiêu dùng các sản phẩm biến đổi gen có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, bộ phim cũng không đề cập đến việc nguồn gốc của ung thư là do các sản phẩm biến đổi gen hay từ việc sử dụng phân bón và thuốc diệt cỏ, em muốn hỏi lại vấn đề đó? Không biết ở Pháp có trồng bắp biến đổi gien hay không? Nếu có không biết Chính phủ Pháp kiểm soát như thế nào, còn nếu như, bằng biện nào mà chính phủ ngăn cản được việc đó?

TS Lê Thị Kính: Về vấn đề các giống cây trồng biến đổi gien (BĐG) trồng ở việt nam: mới đây, tháng 3/2015, Bộ NN đã chính thức công nhận và cho phép 3 giống bắp biến đổi gien của Công ty Sygenta được trồng đại trà Việt nam đó là NK66 Bt kháng sâu, NK66 GT kháng thuốc diệt cỏ, và giống NK66 Bt/GT vừa có gien kháng sâu, vừa có gien kháng thuốc diệt cỏ. Ngoài ra, theo thông tin trên mạng, Monsanto đang có dự định mua lại Sygenta, một đối thủ cạnh tranh về sản xuất và kinh doanh giống cây trồng BĐG, trước đó cũng đã có nhiều công ty giống gia nhập tập đoàn Monsanto.

Các giống bắp BĐG kể trên không phải là bắp nếp chúng ta ăn, nó thuộc về bắp công nghiệp, nghĩa là bắp tẻ (bắp vàng) để nuôi gia súc. Đây cũng chính là lý giải mà Bộ Nông nghiệp có thể cho phép trồng đại trà và kinh doanh các giống bắp BĐG . Trong thực tế, lâu nay chúng ta cũng đã nhập khẩu với số lượng lớn bắp, đậu nành dành cho thức ăn chăn nuôi, và hầu như tất cả đều là các sản phẩm BĐG .

Về tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên cây trồng BĐG và các ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe, môi trường, kinh tế xã hội..cách đây mấy năm, tôi có viết một bài báo trong tạp chí ABC của trường, các anh chị có thể tham khảo. Về thử nghiệm trên người, để đưa ra các bằng chứng thuyết phục nói ảnh hưởng sức khỏe con người thì chưa có 1 báo cáo nào gọi là chính thức về lâm sàng học trên người, bởi vì các nghiên cứu của Monsanto chỉ khảo sát trong khoảng thời gian ngắn. Kết quả của các nghiên cứu này là cây trồng biến đổi gen không có ảnh hưởng trên người. Trong khi đó có nhiều thí nghiệm trên chuột cho thấy rằng tác động của cây trồng biến đổi gen có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chuột sau 2 đến 3 thế hệ. Luật Mỹ cho phép giới hạn kiểm tra trong khoảng thời gian ngắn nên kết quả nhận được là không ảnh hưởng tới sức khỏe của người và động vật. Tuy nhiên, nếu chúng ta tham khảo nhiều công trình nghiên cứu độc lập trên các đối tượng động vật khác nhau, trong một thời gian dài, qua 2-3 thế hệ ở nhiều nước như Châu Âu, Mỹ hay các quốc gia khác thì kết quả không hẳn là lạc quan.

Liên quan đến giống bắp kháng thuốc diệt cỏ, khi ta sử dụng thuốc diệt cỏ, cây bắp kháng thuốc không chết mà cỏ dại chết, nhưng liệu cây bắp có giữ dư lượng thuốc diệt cỏ hay không? không ai có thể loại trừ  khả năng dư lượng đó còn trên hạt bắp và khi người sử dụng, động vật ăn thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Mới đây vào tháng 3/2015, tổ chức y tế thế giới WHO đã xếp glyphosate, thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Round-up, vào trong nhóm các chất có “khả năng gây ung thư”, dĩ nhiên Monsanto phản đối rất dữ dội. Dù vậy, điều này cũng cho thấy đây là một tác nhân không hoàn toàn vô hại như những quảng cáo của Monsanto và cho dù chúng ta có thể rửa sạch thuốc diệt cỏ trước khi sử dụng bắp biến đổi gen thì dư lượng thuốc trong hạt cũng là điều cảnh báo. Ngoài ra, tàn dư thuốc này vẫn còn trong môi trường, có thể thấm xuống hệ thống nước ngầm, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đây cũng là vấn đề bức xúc cho các nhà môi trường học, hay những người canh tác nông nghiệp bền vững.

TS Cao Xuân Dung: Năm 2014 EU cho phép nhập khoảng 19 hạt giống, để có thể làm thức ăn cho gia súc hoặc cho người được trồng trên diện rộng, hiện nay người dân đang phản đối biểu tình rầm rộ vì EU cho trồng nhưng không thảo luận trước với các quốc gia thành viên, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Luật EU cho phép trồng nhưng 1 quốc gia có thể từ chối không cho phép trồng vì lý do sức khỏe hoặc 1 lý do đặc biệt của quốc gia đó để bảo vệ nguồn đa dạng sinh học. Điều này có nghĩa là một quốc gia vẫn có thể từ chối, nhưng để làm điều này phải làm hồ sơ rất cẩn thận. Ví dụ như có thể thương lượng với Monsanto là khi trồng cây biến đổi gen phải có vùng đệm rộng nhằm ngăn chận phấn hoa lan đi. Nếu Monsanto không chịu điều đó thì quốc gia đó có thể từ chối. Có nhiều cửa ngõ để từ chối, như tỉnh Gers của Pháp, cách đây khoảng 10 năm họ cũng thưa kiện chính phủ Pháp vì đã cho trồng cây biến đổi gen trên tỉnh của họ và họ đã thắng kiện.

Còn chuyện dán nhãn, tất cả các thực phẩm mà có chứa các thành phần biến đổi gen hơn 0.9% đều phải dán nhãn là có thành phần biến đổi gen, có nghĩa là 1 cái bánh có sử dụng hương liệu mà không cần biết hương liệu đó chiếm bao nhiêu % trong bánh, nhưng nếu hương liệu có hơn 0.9% biến đổi gen thì cái bánh đó phải dán mác là biến đổi gen. Tuy nhiên, qui định này không áp dụng với thịt. Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn do thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, động vật đó có ăn thực phẩm biến đổi gen rồi. Bây giờ người ra bắt đầu lên tiếng yêu cầu ngay cả thịt cũng phải dán nhãn biến đổi gen, có lẽ vấn đề này “vận động hành lang” trong ngành thịt là rất lớn.   

Hỏi: Vnexpress cũng tổ chức  buổi tọa đàm về biến đổi gen trong tháng 5 vừa qua, chủ tọa hôm đó là GS Nguyễn Lân Dũng và khách mời là 3 vị chuyên gia đầu ngành. Buổi tọa đàm cũng nhận được nhiều câu hỏi như ngày hôm nay và câu trả lời cũng theo hướng là ủng hộ chính sách. Với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta không muốn dùng thực phẩm biến đổi gen thì có cách nào chúng ta không mua nó hay không mà vẫn mua thực phẩm truyền thống, VN có cho phép dán nhãn chưa? Và nếu tập hợp số lượng lớn người tiêu dùng mà họ không đồng ý dùng thực phẩm biến đổi gen thì tiếng nói của họ có thể gửi đến Quốc hội, hội người tiêu dùng hay đâu đó nói lên quan điểm người tiêu dùng thì có thay đổi được chính sách hiện giờ hay không?

TS Cao Xuân Dung: trong 1 bài báo gần đây tôi được biết là Chính phủ nói cây biến đổi gen về chỉ nuôi gia súc, chúng ta không cần phải dán nhãn. Tuy nhiên, trong 1 bài báo khác thì nói cây trồng biến đổi gen vừa cho gia súc vừa cho người nữa, nên luật của chúng ta chưa rõ ràng lắm. Mặc dù luật quy định phải dán nhãn, nhưng ở Pháp nhà nước cũng không thể kiểm tra tất cả mọi thứ nên nhiều sản phẩm vẫn không dán nhãn. Bộ phận thanh tra của nhà nước có đi kiểm tra, nhưngphải mất thời gian  rất lâu, như đợt vừa rồi, kiểm tra từ năm 2013 mà đến 2015 mới thông báo kết quả.  Nhưng dù sao ở Pháp một bộ phận người dân từ lâu đã biết nhận ra sản phẩm nào là có BĐG nhờ  thông tin, tin tức báo chí, nên nhiều sản phẩm không dán nhãn nhưng họ vẫn biết đó là có thành phần biến đổi gen. Ví dụ ai cũng biết đậu nành nhập từ Châu Mỹ là 100% biến đổi gen, nên những sản phẩm có thành phần đậu nành nhập từ châu Mỹ dù không dán nhãn thì người tiêu dùng vẫn biết là sản phẩm biến đổi gen. Một nguồn thông tin để tham khảo khác là tổ chức Hòa Bình Xanh (Green Peace). Mỗi năm tổ chức này lên danh sách rất chi tiết vàgửi phiếu điều tra sản phẩm đến các hãng để khảo sát, từ thông tin trả lời họ theo luật của chính phủ (> 0.9%) để đánh giá sản phẩm đó có biến đổi gen hay không. Công ty nào không trả lời nhưng họ biết nguồn nhập, ví dụ từ Châu Mỹ la tinh,  Mexico, Braxin, Mỹ,… họ lên danh sách rất chi tiết, có thể Việt Nam cần 1 tổ chức uy tín để làm việc này.

TS Nguyễn Văn Giáp: cho đến bây giờ chúng ta vẫn nhập khẩu rất nhiều thức ăn gia súc, một năm chúng ta nhập khẩu 3,5 ~ 4 tỷ USD thức ăn gia súc, nguồn nhập khẩu chủ yếu ở Braxin, Argentina (những nước sản xuất sản phẩm biến đổi gen), như vậy chúng ta đã dùng thực phẩm biến đổi gen khá lâu rồi, khoảng hơn chục năm. Còn về dán nhãn thực phẩm biến đổi gien thì chúng ta chưa có quy định. Tôi đồng ý với cô Xuân Dung là việc kiểm tra thực phẩm có biến đổi gen không đơn giản, ngay cả ở nước ngoài. Ở Mỹ chẳng hạn, họ dùng thực phẩm biến đổi gen rất nhiều, họ cũng không yêu cầu dán nhãn, mà tự các doanh nghiệp dán nhãn sản phẩm không có biến đổi gen để khẳng định chất lượng tốt hơn, khẳng định sản phẩm họ có nguồn gốc sạch. Chúng ta là người tiêu dùng thì chúng ta cần có biện pháp để bảo vệ mình, sẵn lòng trả giá cao hơn cho những sản phẩm sạch, không biến đổi gen.

Hỏi: Xin hỏi là trong 3 giống ngô biến đổi gen được trồng ở Việt Nam thì hiện nay chính phủ đã có qui định về vùng đệm để hạn chế ảnh hưởng đến giống cây khác hay không?

TS Cao Xuân Dung: thông tin trên mạng Việt Nam thì tôi không thấy đề cập vấn đề này.

TS Lê Thị Kính: Theo tôi được biết thì Việt Nam chưa có quy định nào về vấn đề này, mình chỉ có luật cho phép trồng, còn những biện pháp để ngăn ngừa lây lan hay giảm bớt ảnh hưởng của các cây trồng biến đổi gen đến cây trồng truyền thống thì hiện giờ theo tôi được biết, chưa có văn bản chính thức nào của nhà nước . Chúng ta ai cũng biết, hạt phấn của bắp theo gió có thể bay rất xa, như vậy chúng ta phải có vùng đệm cách cả cây số để có thể tránh cho hạt phấn bay đến thụ phấn vào các ruộng bắp truyền thống (không BĐG).

Hỏi: Gần đây thời sự 7g có phát phóng sự về cây trồng biến đổi gen và nội dung xuyên suốt bài phóng sự chỉ dùng biến đổi gen và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Trong phóng sự đó, rất nhiều cán bộ của Bộ Nông nghiệp, Doanh nghiệp tung hô cây trồng biến đổi gen và 2 người nông dân đứng giữa cánh đồng bắp họ rất hạnh phúc vì không phải diệt cỏ. Giám đốc Viện giống Cây trồng Thái Bình cũng rất ủng hộ vấn đề này. Khi chúng ta ngồi đây để thảo luận dán nhãn hay không dán nhãn thì nông dân Việt Nam, những người trực tiếp tạo ra cây biến đổi gen lại không thấy điều đó. Tôi cho rằng chúng ta đang giải quyết phần ngọn, còn phần gốc thì chưa làm được. Vậy mình giải quyết phần gốc thế nào khi nông dân chưa thấy được mặt trái của vấn đề?

TS Nguyễn Văn Giáp: Về quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ cây trồng biến đổi gen vì nó có tác hại thấy rõ: làm giảm đa dạng sinh học; và áp dụng canh tác thâm canh sẽ rủi ro rất cao cho nông dân; ảnh hưởng đến môi trường; tăng tính độc quyền và phụ thuộc vào các công ty lớn; Chèn ép nền nông nghiệp nhỏ của Việt Nam. Tôi cho rằng nhóm ủng hộ đẩy mạnh truyền thông nhiều hơn, và các tập đoàn có ảnh hưởng lớn hơn. Khi có tiếng nói chính thống từ trên xuống thì các cơ quan bên dưới sẽ nêu quan điểm theo tiếng nói chính thống đó. Theo tôi, thông tin cần phải có 2 chiều và nhiều bằng chứng để xác thực nếu không thì sẽ gây hậu quả không tốt. Buổi tọa đàm hôm nay khiến chúng ta hiểu biết hơn, chúng ta biết có thể làm gì để thông tin khách quan hơn?

TS Cao Xuân Dung: Đây chính là lý do mà Trung tâm Nghiên cứu Phát triển muốn đưa thông tin đa chiều đến cho mọi người. Bộ phim này năm 2008 đã được gửi đến cho mỗi đại biểu quốc hội của Pháp. Ở Đức bộ phim này cũng được công chiếu và được đánh giá là phim giúp cho công dân Đức hiểu vấn đề 1 cách rõ ràng nhất để mà chất vấn Quốc hội và bộ phim đã giúp cho Quốc hội Đức lúc đó quyết định là không trồng cây biến đổi gen. Đây là giải pháp các nước Châu Âu mà tôi biết.

Hỏi: Hiện nay truyền thông chính thống luôn nhập nhèm giữa công nghệ sinh học và biến đổi gen, thế thì chúng ta có thể làm gì để cho dân chúng phân biệt được GMO với công nghệ sinh học ?. Theo tôi hiểu, GMO chỉ là 1 nhánh nhỏ trong công nghệ sinh học thôi. Nó là 1 lựa chọn phức tạp hơn, khó khăn hơn, tốn tiền nhiều hơn. Ngoài ra, nếu nói chúng ta đã phải nhập sản phẩm GMO rất nhiều để làm thức ăn gia súc thì tôi tự hỏi là tại sao chúng ta không làm thức ăn gia súc từ những thứ mà chúng ta có mà chúng ta phải nhập ngô và đậu nành? Điểm cuối cùng tôi muốn nói là chúng ta nói nhiều về dán nhãn, tôi không biết chúng ta có bị lừa hay không về dán nhãn vì chi phí để dán nhãn rất cao, đó là lý do vì sao Monsanto họ cũng từ chối, nếu dán nhãn sẽ làm tăng chi phí quản lý trong nguyên chuỗi cung ứng như thế đó là vấn đề, thế là những kẻ đang làm việc tốt phải bỏ chi phí đi dán nhãn đễ chứng minh tôi không có GMO, và tôi đang có sản phẩm sạch.

TS Lê Thị Kính: Có thể nói công nghệ sinh học hiện nay là một ngành khoa học thời thượng. Tất cả các đề tài ở cấp bộ, cấp trường hay cấp Thành phố mà có yếu tố công nghệ sinh học thì dễ được duyệt hơn. Đó là thực tế và nhà nước chúng ta cũng đang khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong đó công nghệ sinh học được khuyến khích rất nhiều. Biến đổi gen đúng là 1 nhánh trong công nghệ sinh học. Trong công nghệ sinh học đối với cây trồng thì ứng dụng sinh học phân tử ở dng marker để tìm ra những cây cùng loài trong tự nhiên mang gien “có lợi” (gen mục tiêu). Tuy nhiên, chúng tôi không dùng công nghệ “biến đổi gen” mà cho lai giống để sản xuất ra giống mang gien có lợi. Giá thành của phương pháp này rẻ hơn nhiều so với giá thành của cây biến đổi gen. Ta nên biết để tạo 1 giống cây trồng BĐG có thể thương mại hóa được tốn hàng triệu USD, và không công ty giống nào ở Việt Nam có năng lực làm như vậy. Ngay cả đối với các viện, trường, khả năng nhận được nguồn kinh phí lớn từ nhà nước cũng rất hạn chế. Vì vậy trong 1 thời gian rất dài nữa cây trồng biến đổi gen có canh tác ở Việt Nam vẫn là nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ các công ty đa quốc gia. Các anh chị nói rất đúng là các công ty đa quốc gia sẽ độc quyền sản xuất và kinh doanh hạt giống cây trồng BĐG và các công ty giống nội địa của VN sẽ đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh rất cao nếu chúng ta sử dụng giống truyền thống. Điều này không phải do sản phẩm của họ hơn hẳn mình về năng suất. Vấn đề ở chỗ họ có hệ thống quảng cáo rất mạnh và cách thức tiếp cận rất bài bản, chuyên nghiệp. Đây là 1 nguy cơ hiện hữu. Còn ứng dụng công nghệ sinh học, có nhiều ứng dụng khác chứ không phải chỉ là cây trồng BĐG, nhưng hiện nay các giống cây trồng BĐG đang là cơn sốt vì các công ty đa quốc gia đang muốn phát triển các giống này ở Việt nam. Trong thời gian tới, bên cạnh cây bắp thì sẽ có thêm đậu nành BĐG, đây là điều khá bức xúc vì đậu nành là sản phẩm mà chúng ta sử dụng trực tiếp. Còn các vấn đề dán nhãn theo tôi nghĩ thuộc về các nhà chính sách, nhưng ở đây chúng ta đang nói đến quyền lợi người tiêu dùng, nếu như nhà nước không bắt phải dán nhãn thì người tiêu dùng bắt buộc phải tự bảo vệ mình và nhà sản xuất muốn bảo vệ thương hiệu thì phải dán nhãn sản phẩm không BĐG để tăng giá trị thương phẩm. Ví dụ trong 10 trường hợp có 2 trường hợp không biến đổi gen thì dán nhãn sẽ ít hơn là dán trên 8 sản phẩm biến đổi gen, chưa kể qui trình phát hiện và công bố ra công luận sản phẩm biến đổi gen là không dễ dàng, với nhiều bước khá phức tạp. Trong trường hợp này, hiệp hội Người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng Quốc hội hay Nhà nước cũng không thể không chú trọng đến họ.

TS Nguyễn Văn Giáp: Trả lời câu hỏi tại sao chúng ta sản xuất nhiều vậy? Tại sao chúng ta lại nhâp khẩu? Tại sao chúng ta chạy theo số lượng mà không là chất lượng? Theo tôi cũng có nguyên nhân từ quá khứ, trước đây khi chúng ta đói, chúng ta phải sản xuất nhiều gạo, nhà nước quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, làm thủy lợi, sản xuất càng nhiều lúa gạo càng tốt để đảm bảo vấn đề an ninh thực phẩm. Tư duy sản xuất theo kiểu tập trung, kế hoạch in khá sâu đậm trong cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta cũng đã quy hoạch vùng Tây nguyên trồng cà phê…Tuy nhiên, hiện nay lúa gạo, cà phê…và các mặt hàng nông sản khác như thủy sản, cá tra…đều bị xuống giá, môi trường của chúng ta bị phá hoại xuống cấp nhiều, thiếu nước, ô nhiễm. Tư duy sản xuất kiếm lời nhanh, bóc lột tài nguyên không thể chỉ đổ tội cho nhà nước, mà doanh nghiệp và người dân cũng mắc phải. Gần đây, nhà nước và người dân đã nhận ra điều đó, chúng ta sản xuất nhiều nhưng không đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội; đặc biệt hủy hoại ghê gớm tài nguyên. Nhà nước nhận ra được điều đó và gần đây có chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có 2 điểm (1) tăng giá trị gia tăng của nông sản và (2) tăng tính bền vững của sản xuất nông nghiệp. Khẩu hiệu thì hay và đúng, nhưng việc thực hiện khó, ví dụ như cho phép trồng thực phẩm biến đổi gen là phát triển theo chiều rộng chư không phải chiều sâu. Ngay Bộ Nông nghiệp cũng có mâu thuẫn trong cách tiếp cận, Bộ trưởng vẫn luôn muốn tăng giá trị gia tăng nông sản, nhưng dưới sức ép phải đảm bảo tăng trưởng khi điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng sẽ phải thúc đẩy mở rộng sản xuất để duy trì tăng trưởng, nghĩa là phát triển theo chiều ngang, chiều rộng. Như vậy, các mục tiêu phát triển luôn luôn có sự mâu thuẫn.

Tại sao bây giờ chúng ta nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nhiều thế? Trong quá khứ ngành chăn nuôi theo truyền thống địa phương, thì thịt rất ngon nhưng năng suất thấp, chúng ta thiếu thịt. Khi các tập đoàn CP, Cargill vào đưa những giống mới năng suất cao hơn. Chúng ta có nhiều thịt để ăn. Những con giống này phải ăn thức ăn công nghiệp thì mới tăng trưởng được, còn ăn thức ăn địa phương thì không thể tăng trưởng được, vì vậy phải nhập khẩu thức ăn công nghiệp: có những thành phần vi chất chỉ có tập đoàn mới nghiên cứu ra và những thành phần nhập khẩu đi kèm như ngô, đậu nành. Các công ty cho biết nhập khẩu rẻ hơn, chất lượng đồng đều hơn, cung cấp đều trong năm. Mua sản phẩm trong nước thì đắt hơn, chất lượng không đồng đều, sâu bệnh, lô tốt lô không tốt, và cung cấp không đều theo năm. Vì vậy công ty nhập khẩu vì lý do hoàn toàn về kinh tế. Câu hỏi là liệu chúng ta có tình nguyện giảm ăn thịt không? Chúng ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho nhà nước, nhưng thực tế cho thấy có nhiều lý do khác từ phía thị trường, và người tiêu dùng.

Hỏi: Song song với việc trồng cây biến đổi gen để làm thức ăn gia súc thì kế hoạch tiếp theo là gì?

TS Lê Thị Kính: Do chúng ta nhập nguyên liệu bắp và đậu nành BĐG để làm thức ăn gia súc với số lượng rất lớn, tốn nhiều triệu USD trong 1 năm. Vấn đề đặt ra là bây giờ mình sẽ tự túc nguyên liệu đó, thay vì mình nhập thì mình tự sản xuất, tôi nghĩ đây là cách đặt vấn đề của Bộ Nông nghiệp nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, bộ Nông nghiệp còn kỳ vọng rằng giá thành sẽ giảm xuống, thực tế mà nói hiện nay chúng ta trồng rất nhiều bắp chăn nuôi (bắp chưa biến đổi gen) nhưng năng suất không đủ, giá thành cao, cạnh tranh không nổi, nên kỳ vọng đưa giống bắp BĐG này vào để giảm giá thành, đủ sức cạnh tranh với các giống bắp nhập khẩu từ bên ngoài. Cho đến giờ, các kết quả đánh giá gần đây hầu như chưa đủ thuyết phục về năng suất vì đây không phải là những giống được chuyển các gien cho năng suất cao mà chỉ là các gien kháng về thuốc diệt cỏ (hay gien Bt kháng sâu), nhưng các nhà canh  tác cho rằng cỏ là yếu tố cạnh tranh chủ yếu của cây bắp, làm giảm 30% năng suất của cây bắp. Vì vậy khi ta dùng thuốc diệt cỏ thì tự nhiên ta nâng được 30% năng suất của cây bắp. Ngoài ra còn một điểm khác biệt nữa là, ở Mỹ và Agentina, nông dân dùng máy bay phun thuốc diệt cỏ trên cánh đồng hàng trăm hàng ngàn ha trong khi đó nông dân của chúng ta chỉ vài ha. Cho tới bây giờ, theo tôi chúng ta vẫn chưa có đủ cơ sở để đưa ra kết luận là trồng cây BĐG và sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ hiệu quả hơn là cách làm truyền thống với các hộ canh tác trên diện tích chỉ vài ha. Đây là vấn đề khá mâu thuẫn, nhưng Bộ Nông nghiệp nói là trong ương lai sẽ có những nông trường hàng trăm ha. Thế nhưng có bao nhiêu nông trường được như vậy?. Tôi nghĩ vài năm nữa sẽ có kết quả cụ thể về hiệu quả  trồng cây BĐG, năm nay mới là năm đầu tiên chính thức đồng ý đưa vào trồng trên diện rộng 3 giống bắp BĐG. Chúng ta chưa có bằng chứng xác thực về con số thống kê hiệu quả hay không hiệu quả trên cánh đồng của Việt Nam, chúng ta phải chờ đợi.

Hỏi: Tình hình ung thư ở Việt Nam gia tăng nhanh, mỗi năm có 150.000 ca ung thư mới và với loại cây trồng có thuốc diệt cỏ kinh khủng như dioxin thì nó hoàn toàn có thể là chất độc màu da cam thứ 2. Các nhà khoa học đang đặt nhiều vấn đề tranh cãi như thế mà chính phủ Việt Nam vẫn đưa vào. Với tư cách là một người làm trong lĩnh vực công, không biết anh Giáp có thể chia sẽ con đường hình thành chính sách như thế nào? Theo tôi được biết những vấn đề đang xảy ra trên thế giới, hiện nay đang xảy ra ở Việt Nam với tốc độ rất nhanh chóng. Mới đây Monsanto tuyên bố trao học bổng 1,5 tỷ cho Học viện nông nghiệp Việt Nam trong 1 năm. Với hiện tượng như vậy thì không thể nào không đặt dấu hỏi cho việc hoạch định chính sách của Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Giáp: Theo tôi, quy trình lập chính sách cũng đơn giản. Khi có yêu cầu các Vụ sẽ được giao nhiệm vụ. Ví dụ về cây trồng thì có Vụ Trồng trọt, về chăn nuôi thì có Cục chăn nuôi. Các Vụ sẽ được đặt hàng từ nhu cầu thực tế và sau đó soạn thảo qua rất nhiều vòng cấp Vụ, cấp Bộ đến Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng và cuối cùng là trình ra Quốc Hội. Theo quan sát cá nhân thì tất cả quyết định quan trọng nằm ở Văn phòng Thủ tướng. Đây là quá trình kỹ thuật nhìn chung về lý thuyết những người tham gia sẽ có mức độ ảnh hưởng nào đó đến việc hình thành luật, những người có mức ảnh hưởng tốt nhất là những người có quan hệ và có khả năng ảnh hưởng nhất. Ở nước ngoài rất công khai chuyện “vận động hành lang” luật, ở Việt Nam thì không công khai, nhưng cũng diễn ra ở đâu đó.

Hỏi: Trong luật vừa rồi (Luật cho phép trồng cây biến đổi gen) bên Viện có được chắp bút không?

TS Nguyễn Văn Giáp: Theo tôi được biết thì Viện không được chắp bút trong luật vừa rồi, nhưng có thể được đóng góp ý kiến.

Còn rất nhiều câu hỏi đặt ra cho 3 vị khách mời, với rất nhiều vấn đề nóng bỏng, tuy nhiên tất cả đều phải chấp nhận rằng: để tự bảo vệ mình, chúng ta phải lan tỏa thông tin đa chiều về cây trồng biến đổi gen cho cộng đồng nắm rõ trước khi có sự truyền thông chủ động của các cơ quan hữu quan, nhằm có sự hiểu biết một cách chính các về ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đến môi trường và sức khỏe con người. Buổi tọa đàm kết thúc, nhưng mối quan tâm của người tham dự dường như vẫn chưa dừng lại, vẫn còn đâu đó nhiều nỗi băn khoăn chờ đợi câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan có thẩm quyền và hơn hết là lộ trình hành động của Chính phủ.

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"