Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tóm lược seminar "Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế đô thị" ngày 17/09/2015

Ngày 17/09/2015, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trường đại học Mở Tp.HCM đã tổ chức buổi seminar trao đổi học thuật với chủ đề "Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế đô thị". Đến tham dự buổi trao đổi học thuật này có giảng viên, sinh viên trường đại học Mở TpHCM. Diễn giả chính của buổi báo cáo này là PGS.TS.KTS. Trần Văn Khải, trường đại học Tôn Đức Thắng và KTS. Nguyễn Hữu Thái, Hội kiến trúc sư Việt Nam.


Quang cảnh buổi trao đổi (1)

Mở đầu phần trình bày, PGS.TS.KTS. Trần Văn Khải nêu khái quát về các giải pháp về “phòng chống tội phạm” bằng thiết kế môi trường xây dựng trên thế giới. PGS.TS.KTS. Trần Văn Khải cho rằng quan niệm truyền thống (và hiện nay ở Việt Nam) chủ yếu thiên về cách xây kín cổng cao tường, nhưng thực tế cho thấy chủ nhân sẽ bị cô lập khi tội phạm xâm nhập. Quan niệm phương Tây hiện đã chuyển hướng sang các giải pháp thiết kế đô thị nhằm phòng chống tội phạm bằng cách phát huy vai trò cộng đồng có hiệu quả hơn thay cho biện pháp chỉ xây dựng kiên cố. Trước xu hướng đó, chuyên ngành “Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường (CPTED)” đã được thiết lập trên cơ sở của hai môn: Tội phạm học (Criminology) và Nạn nhân học (Victimology). Các nghiên cứu tội phạm học đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm, trong đó nổi bật là hai nhóm lý thuyết: các thuyết về bản chất con người và các thuyết xã hội học. Ngoài nguyên nhân sinh ra tội phạm là do ảnh hưởng của ma quỷ và thiên văn (trước công nguyên), các thuyết về bản chất con người cho rằng phạm tội bắt nguồn từ thói quen, sở thích hư hỏng của con người – vì vậy cần có pháp luật để giúp tinh thần thống trị được bản năng của con người; cũng có quan điểm cho rằng bản chất tội phạm là có tính bẩm sinh do đó có thể dựa vào hộp sọ, diện mạo để đoán được người phạm tội. Dầm dần xuất hiện các thuyết xã hội học lại chỉ ra việc phạm tội phát sinh do những nguyên nhân từ môi trường sống và từ những tình huống cụ thể. Tội phạm được coi là kết quả của áp lực xã hội và các nhân tố xã hội, kinh tế, do đó việc cải thiện môi trường sống sẽ giúp hình thành xã hội yên bình. Bên cạnh đó, “tình huống cụ thể, cơ hội phạm tội” cũng là nguyên nhân gốc rễ sinh ra tội phạm. PGS.TS.KTS. Khải dẫn lời Lawrence Cohen và Marcurs Felson cho rằng, cơ hội phạm tội sẽ hình thành khi hội đủ ba yếu tố: (i) mục tiêu phạm tội, (ii) thiếu sự bảo vệ để ngăn chặn tội phạm và (iii) động cơ phạm tội. Ngoài ra, nạn nhân cũng đóng vai trò quan trọng làm phát sinh hoặc thúc đẩy tội phạm do sự phô trương tài sản, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết và tự đưa mình vào thế khó có khả năng tự vệ, hoặc do sự dễ dãi, tính hám lợi và bội bạc của nạn nhân. “Thuyết sự lựa chọn duy lý” cho rằng người có ý phạm tội đều phải cân nhắc trước khi quyết định hành vi, xem có diễn ra thuận lợi hay không, do đó việc thiết kế môi trường cần loại bỏ những yếu tố thuận lợi cho việc phạm tội và tăng rủi ro bị bắt của tội phạm.


PGS.TS Trần Văn Khải trình bày tham luận 

Từ những lý thuyết đó, một số chuyên gia đô thị học đã chỉ ra một số cách thiết kế đô thị có thể phòng chống các hành vi tội phạm. Ba thuộc tính để một khu phố trở nên an toàn được chỉ ra là: (i) có ranh giới rõ ràng giữa không gian riêng tư và công cộng để dễ quản lý; (ii) đa dạng hóa các họat động công cộng trong không gian khu ở; (iii) tăng cường sự hiện diện của người đi bộ trên vỉa hè. Những điều này sẽ giúp tăng khả năng quan sát đường phố của người dân và qua đó giúp hạn chế khả năng phạm tội. Bên cạnh đó, PGS.TS.KTS. Khải giới thiệu hai nguyên tắc trong thiết kế nhà cửa đô thị để phòng chống tội phạm của KTS. Oscar Newman. Thứ nhất, bố cục không gian cho phép mọi người nhìn thấy và được nhìn thấy liên tục, làm tăng khả năng bị phát hiện của tội phạm và giảm sự sợ hãi của cư dân khi họ tố giác tội phạm. Thứ hai, thiết kế gia tăng điều kiện an toàn trong môi trường sống, khuyến khích người dân nắm quyền kiểm soát nhờ quyền sở hữu lãnh địa rõ ràng. Khi cảm thấy an toàn, họ sẽ hợp tác với nhau và can thiệp, tố cáo khi thấy tội phạm gây án.

Các chiến lược phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường đều nhằm tác động đến quyết định của con người trước khi thực hiện hành vi phạm tội dựa trên nhận thức tín hiệu về nguy cơ bị bắt và khả năng được thụ hưởng. Từ đó, có bốn chiến lược được đưa ra là: (i) Giám sát tự nhiên môi trường: Chiến lược này hướng đến tối đa hóa khả năng ai cũng nhìn thấy và được nhìn thấy để tội phạm có hành động bất thường sẽ bị phát hiện, chẳng hạn như: xây dựng hàng rào thưa cho phép nhìn xuyên qua, thiết kế hành lang có tầm nhìn thông suốt, sử dụng lượng người và xe cộ lưu thông bên ngoài như nguồn giám sát, cho phép tổ chức các hoạt động trên vỉa hè một cách có kiểm soát, hay tổ chức các hoạt động công cộng, tận dụng các tiện nghi như nơi dừng chân, giải trí để thu hút nhiều người đến. Đồng thời cần thiết kế cảnh quan cho phép giám sát lượng người ra, vào và bố trí ánh sáng hợp lý chiếu sáng bộ mặt kẻ phạm tội, tránh những chỗ tối làm nơi ẩn nấp cho tội phạm. Những thiết kế này sẽ khiến cho người có khả năng phạm tội cảm thấy các hành vi của họ bị kiểm soát kỹ lưỡng và không dám gây án; (ii) Kiểm soát tự nhiên hiện tượng xâm nhập môi trường: thông qua chọn vị trí đặt lối vào, lối ra (nên sử dụng một lối vào/ra duy nhất), sẽ là bất thường nếu có kẻ không tuân thủ lối đi qui định, đồng thời loại bỏ các cấu trúc tạo khả năng trèo lên các độ cao hay mái nhà (như vụ tiệm vàng ở Bắc Giang) để hạn chế đột nhập bất hợp pháp; (iii) Củng cố lãnh thổ môi trường, nghĩa là có sự phân định không gian công cộng – riêng tư rõ ràng, để bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản, làm bộc lộ hành vi xâm nhập không gian bất hợp pháp (các chung cư thường gặp vấn đề này); và (iv) Bảo trì môi trường: chiến lược này được đưa ra dựa trên lý thuyết “Cửa sổ vỡ kính” – cho rằng một ngôi nhà có cửa kính vỡ mà không được sửa nghĩa là nhà đang quản lý kém sẽ bị tội phạm chọn xâm nhập. Tương tự, tờ rơi gài ở khe cửa một ngôi nhà vài ngày không được lấy vào là tín hiệu cho thấy nhà vắng người và dễ bị xâm nhập. Do vậy, các khu nhà ở cần được bảo trì thường xuyên. Trồng cây xanh cũng thể hiện khu nhà được quản lý tốt, tuy nhiên không được để tán lá cây che khuất tầm nhìn.


KTS.Nguyễn Hữu Thái trình bày tham luận

Trong phần trình bày kế tiếp, KTS. Nguyễn Hữu Thái giới thiệu với các khách mời về những kinh nghiệm ở các nước phương Tây và châu Á trong thiết kế đô thị nhằm phòng chống tội phạm có thể áp dụng ở Việt Nam. Theo KTS. Thái, các lý thuyết tội phạm học, nạn nhân học là cơ sở để đưa ra các thiết kế đô thị, là những môn học bắt buộc của ngành Kiến trúc trong trường đại học ở các nước thời gian gần đây. Nhưng hiện tại, các trường đại học Việt Nam chưa đào tạo các môn học này, trong khi đây là các kiến thức rất quan trọng để những người tham gia vào thiết kế, quy hoạch thành phố, xây dựng hay đầu tư phát triển nhà có ý thức thiết kế và xây dựng nhà ở hướng đến phòng chống tội phạm. KTS. Thái lưu ý một số điểm quan trọng khi quy hoạch, thiết kế đô thị nhằm phòng chống tội phạm bao gồm: hệ thống chiếu sáng; việc phân định khu vực công – tư và quyền xây dựng, sử dụng mỗi phạm vi; thiết kế các góc nhìn tại khu vực công cộng để dễ phát hiện những dấu hiệu bất thường; và vấn đề bố trí lối vào các khu dân cư (nên là ngõ cụt để tránh tội phạm có cơ hội gây án và chạy thoát). Bên cạnh đó, quan hệ xóm giềng cũng sẽ góp phần đảm bảo an toàn trong mỗi khu phố. Người Việt Nam đang dần sống tách biệt hơn, ít quan tâm đến hàng xóm, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tội phạm tấn công vì rủi ro bị phát hiện thấp. Vấn đề này cũng thường gặp ở các chung cư, do vậy ban quản lý các chung cư cần giúp tăng tính cộng đồng của người dân ở trong cùng khu nhà. Một điều đáng quan tâm là làm sao dung hòa được giữa khu vực người dân thu nhập cao với những hộ dân đời sống thấp hơn. Do vậy, thiết kế đô thị ngày nay không chỉ cần đảm bảo tốt vấn đề an toàn, mà cần duy trì được các sinh hoạt cộng đồng và tạo không gian mở với những người xung quanh.


Quang cảnh buổi toạ đàm (2)

THẢO LUẬN

Một khách mời đặt vấn đề là kiến trúc của thành phố Hồ Chí Minh hiện còn nhiều hạn chế do lịch sử để lại, vậy có thể thay đổi kiến trúc, quy hoạch của thành phố để khắc phục vấn đề tội phạm hay không? Theo PGS.TS.KTS. Khải, các công trình cũ thì khó thay đổi hơn, những vấn đề vừa trình bày chủ yếu được áp dụng trong các thiết kế mới, không chỉ quan tâm đến môi trường và phòng chữa cháy mà còn lưu ý phòng chống tội phạm. Theo KTS. Thái, những công trình kiến trúc cũ vẫn có thể cải thiện nhưng cần có sự hài hòa với địa phương, đặc biệt những khu di sản như 36 phố phường Hà Nội và phố cổ Hội An. Ở các nơi này, các tiêu chuẩn thiết kế phòng chống tội phạm chỉ có thể áp dụng được một phần.

Khách mời khác cho rằng, thiết kế hướng đến tối đa hóa khả năng nhìn thấy có thể sẽ tăng cơ hội nhận biết tài sản và do đó tăng cơ hội trộm cướp, hoặc việc khuyến khích tập trung đông người ở các khu vực công cộng cũng có thể dẫn đến phát sinh các tệ nạn xã hội. Như vậy, theo khách mời, việc tối đa hóa khả năng nhìn thấy phải đi kèm với những biện pháp khác thì mới có thể ngăn chặn được tội phạm. PGS.TS.KTS. Khải giải thích “tối đa hóa khả năng nhìn thấy” ở đây muốn nói đến khả năng nhìn thấy mọi người, không phải mọi tài sản. Các nước châu Âu quan niệm cho phép các hoạt động sinh hoạt đông người ở vỉa hè, khu vực công cộng nhưng phải có tổ chức, chính trình độ tổ chức sẽ quyết định khả năng hạn chế tội phạm. KTS. Thái chia sẻ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng thành công trong việc đảm bảo an toàn là nhờ nắm rõ về các thành phần phạm tội trong khu vực và có những biện pháp răn đe trước khi họ phạm tội. Theo quan sát, các trạm cảnh sát thông thường được đặt tại những khu nhà giàu, nhưng lẽ ra nên được đặt ở những khu dân cư nghèo và thường xuất hiện tội phạm.

Chung cư và các trung tâm thương mại đều thiết kế các bãi giữ xe với một lối ra, một lối vào cùng hệ thống camera quan sát nhưng tại sao vẫn có hiện tượng mất cắp xe? Trả lời câu hỏi này, KTS. Thái cho rằng vấn đề có thể do ban bảo vệ, không phải do thiết kế. Theo PGS.TS.KTS. Khải, chung cư có quá nhiều không gian chung (thang máy, hàng lang, cổng vào, khu vực để xe, …), khó phân định được các khu chung - riêng nên khó kiểm soát. Nếu tội phạm cũng là cư dân trong chung cư thì họ có thể tự do ra vào gây án. Các kiến trúc sư thời kỳ Hiện đại chỉ chú trọng công năng sử dụng, chưa chú ý đúng mức đến việc sinh ra nhiều không gian không quản lý được. Mặc dù các chung cư thường áp dụng những công nghệ hiện đại để giám sát, nhưng công nghệ được sinh ra thì sau đó các tội phạm cũng có những cách vô hiệu hóa chúng, chẳng hạn làm đứng camera quan sát. 

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"