Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tóm lược Seminar "Kinh tế tích cực chất liệu mới cho nghiên cứu"

Ngày 02/07/2015, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trường đại học Mở TpHCM đã tổ chức buổi seminar trao đổi học thuật với chủ đề "Kinh tế Tích cực: Chất liệu Mới cho Nghiên cứu" và thu hút rất đông giảng viên và các sinh viên tham dự. Tham gia báo cáo chủ đề này gồm có TS. Cao Xuân Dung, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Trường đại học Mở Tp.HCM; Ths.Mai Hoàng Chương, Khoa Kinh tế và Luật, Trường đại học Mở Tp.HCM, và TS.Nguyễn Bảo Thanh Nghi, Khoa Xã hội học-Công tác Xã hội,Đông Nam Á,Trường đại học Mở Tp.HCM.  

Mở đầu phần trình bày, TS. Cao Xuân Dung giới thiệu báo cáo “Để xây dựng một nền kinh tế tích cực” của nhóm nghiên cứu do Jacques Attali chủ trì. Báo cáo này ra đời từ cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội 2007 – 2008, khi đó, Tổng thống Pháp đương nhiệm hiện nay là François Hollande đã đề nghị J. Attali nghiên cứu cách thức để châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng. J. Attali đã tập hợp một nhóm các nhà nghiên cứu đa ngành đến từ nhiều lĩnh vực, tổ chức khác nhau, từ các doanh nghiệp đến các tổ chức phi chính phủ, từ các nhà nghiên cứu đến các nhà hoạt động xã hội. Kết quả nghiên cứu của nhóm J. Attali được thảo luận trên một diễn đàn tại Pháp vào năm 2012 và xuất bản sách vào năm 2013. Trong phần trình bày của mình, TS. Dung đã điểm lại và bình luận một số nét chính trong quyển sách này.

Định nghĩa về kinh tế tích cực, nhóm nghiên cứu J. Attali cho rằng đó là nền kinh tế phát huy tư duy dài hạn và lòng vị tha của con người. Lý giải cho định nghĩa này, TS. Dung cho biết, theo nhóm nghiên cứu J. Attali, tư duy về kết quả ngắn hạn và áp lực tối đa hóa lợi nhuận là hai nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng. Trên cơ sở đó, J. Attali cho rằng cần tìm cách chuyển các yếu tố này thành động lực để thoát khỏi khủng hoảng. Trong đó, áp lực kết quả ngắn hạn cần chuyển hóa thành tư duy dài hạn và tối đa hóa lợi nhuận cần chuyển thành lòng vị tha. Lòng vị tha không phải là một khái niệm mới, mỗi người đều có lòng vị tha, nhưng lòng vị tha trong kinh tế có thể là một điều mới. Để có cái nhìn rõ ràng cho nghiên cứu về kinh tế tích cực sau này, TS. Dung lưu ý sự khác biệt giữa hai khái niệm “từ thiện” và “vị tha”. Theo TS. Dung, từ thiện mang tính ban phát, xuất phát từ lòng từ bi, thương cảm và có thể không quan tâm đến nguồn gốc của nghèo. Trong khi đó, lòng vị tha hướng đến hành động sao cho kẻ khác không thiệt thòi, xuất phát từ tinh thần trọng công bằng và thường quan tâm đến nguồn gốc của nghèo, họ sẽ từ chối lợi nhuận của mình nếu lợi nhuận đó gây ra sự tổn thương cho người khác. Những điểm này cho thấy từ thiện thường nảy sinh trong một xã hội bất bình đẳng, mang tính “chữa cháy” để làm vơi đi sự bất bình đẳng, hành động ở “hạ nguồn”. Lòng vị tha được ươm mầm trong một nền giáo dục không chấp nhận bất bình đẳng, mang tính “phòng cháy”, hành động ở “thượng nguồn”. Theo TS. Dung, để phát triển tốt thì một xã hội cần nhiều lòng vị tha hơn là từ thiện. Nếu không phân biệt rõ ràng giữa vị tha và từ thiện thì có thể dẫn đến sai lầm trong lựa chọn thang đo kinh tế tích cực, chẳng hạn dùng “số tiền cho từ thiện” làm tiêu chuẩn để đánh giá một doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp tích cực hay không. Một doanh nghiệp sẽ không phải là doanh nghiệp tích cực khi chủ doanh nghiệp tìm mọi cách để kiếm lợi nhuận, kể cả gây hại đến một số đối tượng nào đó, nhưng sau đó lại dùng lợi nhuận để làm từ thiện.

Vấn đề tiếp theo là làm sao để đo lường kinh tế tích cực? Nhóm J. Attali sử dụng hai chỉ số để đo lường kinh tế tích cực là: chỉ số đo lường mức độ tích cực của nền kinh tế và chỉ số thiện chí của quốc gia hướng đến nền kinh tế tích cực.

Chỉ số mức độ tích cực của nền kinh tế sử dụng lòng vị tha làm trung điểm của mọi tính toán: “Lòng vị tha” được xem xét trên 3 phương diện: (i) giữa các thế hệ (sự phát triển của thế hệ hiện tại có gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai hay không); (ii) giữa các vùng miền (sự phát triển của tỉnh/vùng này có gây cản trở đến sự phát triển của tỉnh/vùng khác hay không, có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng/ tỉnh với nhau hay không); (iii) giữa các thành phần trong xã hội (sự phân phối lợi ích giữa các cá nhân trong xã hội, chẳng hạn mức chênh lệch về thu nhập giữa chủ doanh nghiệp với công nhân). Từ định nghĩa này, nhóm nghiên cứu tính toán chỉ số mức độ tích cực của nền kinh tế từ các chỉ số vĩ mô có sẵn như: tăng trưởng kinh tế, chất lượng hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông để kết nối các vùng miền, tỷ lệ người dân đến trường, quan hệ giữa thu nhập của cha mẹ với việc đi học của con cái, tỷ lệ công dân đi bỏ phiếu… Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu J. Attali đã sử dụng 34 chỉ số để đo lường mức độ tích cực của nền kinh tế các nước phát triển. Theo nhận định của TS. Dung, các chỉ số vĩ mô này còn khá chung chung và có thể bị thiên lệch vì một số chỉ số vĩ mô không thể hiện tính chất của thực trạng và một số chỉ số không thể hiện tính chất của kinh tế tích cực. Ví dụ, chỉ số tỷ lệ công dân đi bỏ phiếu có thể có ý nghĩa ở một số quốc gia phát triển, nhưng đối với những nước độc tài – 100% công dân bị bắt buộc đi bỏ phiếu thì chỉ số này không thể hiện được thực trạng mức độ dân chủ của quốc gia đó. Hoặc chỉ số tăng trưởng GDP không thể hiện được những ảnh hưởng đến môi trường, do đó không phù hợp để đo lường kinh tế tích cực. Theo TS. Dung, để đo lường thực sự về mức độ tích cực của nền kinh tế, cần tiến hành khảo sát thực tế để thu thập số liệu sát thực hơn, chứ không thể chỉ dựa vào những chỉ số có sẵn.

Chỉ số thứ hai đo lường thiện chí quốc gia để hướng tới một nền kinh tế tích cực vẫn chưa được nhóm nghiên cứu J. Attali xây dựng thành một khung hoàn chỉnh và cũng dựa vào những chỉ số có sẵn như: tính cạnh tranh, tự do kinh doanh, chất lượng sống,... Theo TS. Dung, những chỉ số này không mang nghĩa kinh tế tích cực, nên cần phải tìm những chỉ tiêu đo lường khác phù hợp hơn. Nhóm nghiên cứu J. Attali cũng thừa nhận khá khó khăn để xây dựng khung đánh giá chỉ số này nên còn bỏ ngỏ. Do vậy, những ai quan tâm kinh tế tích cực thì có thể nghiên cứu sâu hơn để tìm ra các thang đo cho chỉ số này. Theo cập nhật của TS. Dung, báo chí Pháp cũng đang đặt câu hỏi đối với những chỉ số đo lường kinh tế tích cực này: lợi ích của kinh tế tích cực là gì? Có thực chất hay không? hay chỉ phục vụ cho truyền thông của một số doanh nghiệp, vùng miền? Theo TS. Dung, kinh tế tích cực cũng có thể gặp rủi ro là trở thành công cụ truyền thông của một quốc gia, một doanh nghiệp nào đó.

Vậy, cần làm gì để thúc đẩy kinh tế tích cực, hướng đến những mục tiêu dài hạn? Báo cáo của nhóm nghiên cứu J. Attali đã đưa ra 45 kiến nghị giải pháp ở 3 cấp độ: công dân, quốc gia, và quốc tế với lộ trình đến 2017. Trọng tâm của các kiến nghị là cải thiện môi trường doanh nghiệp, điều kiện tài chính (chẳng hạn, lãi suất và thuế thấp cho những doanh nghiệp muốn phát triển kinh tế tích cực), điều kiện theo dõi, kiểm soát ở cấp quốc gia, quốc tế (hình thành những nhóm chuyên gia đánh giá về sự phát triển kinh tế tích cực ở phạm vi quốc gia, quốc tế) và môi trường giáo dục (đưa khái niệm kinh tế tích cực vào trường học để giáo dục ngay từ ban đầu). Theo nhận định của TS. Dung, chương trình này có tính bao quát cao và quy mô lớn. Tuy nhiên, với quy mô như vậy, chương trình sẽ rất tốn kém và khó thực hiện đồng bộ nên sẽ khó đạt kết quả. Ví dụ, nếu chính phủ có chính sách ủng hộ cho phép các công nhân nghỉ một năm không lương để làm việc cho các tổ chức phi chính phủ phục vụ cộng đồng thì cũng rất khó để một doanh nghiệp cho phép lao động của mình nghỉ không lương 1 năm vì sẽ thiếu người lao động trong thời gian đó.

Với những đặc điểm đó, kinh tế tích cực hiện đang ở đâu? TS. Dung cho biết hiện chưa có tiêu chuẩn, chỉ số đánh giá xác đáng để đo lường kinh tế tích cực. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều trở ngại để thực hiện những đề xuất trong báo cáo của nhóm J. Attali. Hiện tại, Pháp đang kêu gọi mọi người cùng tham gia và đề xuất chương trình cấp châu Âu. Theo TS. Dung, các quan sát thực tế cho thấy đã có phản ứng của các công dân, tổ chức dân sự thể hiện xu hướng của kinh tế tích cực. Cụ thể như mỗi năm có một hội thảo tổ chức ở một quốc gia về kinh tế tích cực, nhưng vẫn mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Ngoài ra, có những tổ chức tự phát của các tổ chức công nhân, nông dân mang hình thái của kinh tế tích cực, xuất hiện ngay từ trước khi báo cáo của J. Attali ra đời. Chẳng hạn như ở Bỉ hay một số nơi trên thế giới, có những mạng lưới các doanh nghiệp tích cực ra đời. Trước đó, những tổ chức điển hình cho kinh tế tích cực là mô hình “nông dân gia đình” (tương tự khái niệm “bác sĩ gia đình”), một nông dân sản xuất quy mô nhỏ để cung cấp cho một số hộ gia đình cụ thể. Trong đó, nông dân cam kết về chất lượng, phân phối trực tiếp cho các hộ gia đình. Phía người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận rủi ro mùa màng và chi trả trước cho nông dân, đổi lại họ được tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng. Nhờ đó, nông dân có thể xác định được trước sản lượng đầu ra của mình nên sẽ không có hiện tượng dư thừa, mất giá nông sản. Giá cả sẽ được tính theo chi phí sản xuất chứ không theo số lượng, do đó đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân. Đây không phải một mô hình mới mà đã được thực hiện ở Nhật từ năm 1971, rồi đến Đức, Áo, Thụy Sĩ trong thập niên 1970, Mỹ (1985), Pháp (2000),… và phát triển khá thành công. Mô hình này hiện có quy mô lớn nhất ở Nhật với sự tham gia của ¼ số hộ gia đình (khoảng 16 triệu người). Mỹ cũng có khoảng 1.000 CSA (Community Supported Agriculture) và Pháp có khoảng 1.200 AMAP (Association pour le maintien de l’agriculture paysanne)đang thực hiện mô hình này. Như vậy, kinh tế tích cực không phải là một khái niệm hoàn toàn mới, nhưng báo cáo của J. Attali đã làm nổi bật hơn ý tưởng về tư duy dài hạn và lòng vị tha, đặt tên cho một phong trào và có thể đem lại một “chất liệu mới” cho nghiên cứu kinh tế trong tương lai. TS. Dung gợi ý rất nhiều chủ đề nghiên cứu cho những ai quan tâm đến kinh tế tích cực như: làm rõ hơn về định nghĩa và nhận dạng kinh tế tích cực, đánh giá mức độ hoạt dộng dân sự đến từ lòng từ thiện và lòng vị tha, mô hình đào tạo đại học theo hướng kinh tế tích cực tại một số quốc gia, thể chế và kinh tế tích cực, điều tra ý thức về kinh tế tích cực tại các doanh nghiệp và trường đại học, xây dựng phương pháp đánh giá mức độ tích cực và thiện chí xây dựng kinh tế tích cực của các địa phương, hay kinh tế tích cực và môi trường, kinh tế tích cực và bất bình đẳng thu nhập…

Tiếp sau phần trình bày của TS. Dung là những chia sẻ về kinh tế tích cực từ góc nhìn kinh tế học thể chế của ThS. Mai Hoàng Chương . Như TS. Dung đã trình bày, một nền kinh tế tích cực bao gồm 2 yếu tố: tư duy dài hạn và lòng vị tha. ThS. Chương lưu ý rằng lòng vị tha phải mang tính duy lý, nghĩa là người ta sẽ không hy sinh tất cả mọi thứ cho người khác mà phải cân nhắc cho bao nhiêu là vừa, vì bản thân phải tồn tại thì sau đó mới có thể phục vụ mọi người. Tư duy dài hạn sẽ buộc con người phải tự đánh giá hành vi của mình vì họ sẽ nhận những phán xét, thưởng/phạt của cộng đồng về hành vi mình gây ra.

Từ góc độ thể chế, một công cụ có thể dùng để phân tích hành vi trong kinh tế tích cực là lý thuyết trò chơi. Điển hình trong lý thuyết trò chơi là thế lưỡng nan của hai người tù. Lý thuyết này chỉ ra rằng khó có thể duy trì được sự hợp tác khi trò chơi chỉ xảy ra một lần, không lặp lại. Với nền kinh tế tích cực, người ta nhìn dài hạn hơn vì trò chơi được lặp lại. Các cá nhân muốn tối đa hóa lợi ích của mình sẽ thường thấy có lợi nếu hợp tác với người khác khi trò chơi được lặp lại và mỗi người có thông tin về lịch sử lựa chọn của những người khác. Cơ sở để duy trì tình trạng hợp tác trong dài hạn đến từ các quy ước, chế tài về những hành xử của con người trong xã hội. Như vậy, tầm nhìn dài hạn sẽ do thể chế quyết định, còn lòng vị tha duy lý đến từ đâu? Theo ThS. Chương, khi đã có tầm nhìn dài hạn thì người ta sẽ có niềm tin về những quy tắc chung của cộng đồng được chia sẻ dựa trên các quan hệ trực tiếp và những sự tương hỗ lẫn nhau. Chính sự tương hỗ này đã thể hiện lòng vị tha, lòng vị tha này xuất phát từ niềm tin hay quy tắc chung của cộng đồng và từ các động cơ cá nhân. Lòng vị tha với sự cân bằng về lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích riêng của bản thân chính là lòng vị tha duy lý. Những quy tắc ứng xử trong cộng đồng, các luật lệ, văn hóa hay có thể gọi chung là thể chế, sẽ giúp hình thành tầm nhìn dài hạn và lòng vị tha duy lý.

Vậy, thể chế là gì và vai trò trong phân tích kinh tế như thế nào? Có nhiều khái niệm về thể chế, theo Douglas North, thể chế là những luật lệ trong cuộc chơi ở một xã hội nào đó. Hay nói cách khác, thể chế là những ràng buộc do con người tạo ra để điều chỉnh và định hình các tương tác của mình. Ba yếu tố cấu thành quan trọng của hệ thống thể chế là: (i) thể chế chính thức (thành văn, như hệ thống luật); (ii) thể chế phi chính thức (các tục lệ); và (iii) các chế tài. Với các cấu thành này, thể chế có vai trò làm giảm tính bất trắc trong các hành vi ứng xử, giao dịch trong xã hội bằng cách cung cấp một cấu trúc, lề lối cho hoạt động của con người, hướng dẫn sự tương tác giữa con người với con người, và định ra giá của sự vi phạm và mức độ nghiêm trọng của hình phạt. Qua đó, thể chế giúp giảm chi phí giao dịch (tìm kiếm thông tin, thực thi và giám sát hợp đồng), giảm các chi phí của sự đề phòng.

Kinh tế học thể chế tích hợp lý thuyết thể chế vào phân tích kinh tế dựa trên mô hình lý thuyết tân cổ điển với sự thay thế tính duy lý vô hạn bằng các ràng buộc thể chế. Tính duy lý vô hạn cho rằng con người sẽ luôn thích nhiều hơn thích ít, nó đi ngược lại với ý niệm về lòng vị tha. Các ràng buộc thể chế bao gồm những ràng buộc phi chính thức (các tục lệ, các quy tắc đạo đức, ứng xử) và các ràng buộc chính thức (hệ thống luật về sở hữu, về các giao dịch kinh tế, về chính trị,…). Các ràng buộc thể chế chính thức và phi chính thức này sẽ giúp duy trì tầm nhìn dài hạn (thông qua tính răn đe) và lòng vị tha duy lý. Do vậy, kinh tế học thể chế thích hợp cho phân tích kinh tế tích cực. Để minh họa cho ứng dụng kinh tế học thể chế trong phân tích kinh tế tích cực, ThS. Chương đưa ra một bài toán thú vị về vấn đề khá phổ biến trong thực tế: tại sao người ta thường giữ im lặng, không tố cáo tội phạm? Theo lý thuyết về tháp nhu cầu Maslow, việc bộc lộ ý kiến bản thân là một nhu cầu cao cấp, tức là đem lại độ thỏa dụng cho cá nhân. Nhưng trên thực tế, nhiều khi cá nhân lại im lặng, không bộc lộ ý kiến. Nguyên nhân có thể do họ biết rằng tiếng nói của mình không được tôn trọng, không được lắng nghe hoặc sẽ gây mất lòng người khác, dẫn đến việc bị giảm đi một phần thu nhập do giảm cơ hội thăng tiến chẳng hạn. Do đó, bộc lộ ý kiến cá nhân cũng tương tự như một hàng hóa vì người ta sẽ phải mất một phần thu nhập để “tiêu dùng” nó. Trên cơ sở đó, một mô hình đơn giản giải thích sự im lặng được xây dựng: mỗi cá nhân, sẽ lựa chọn một tổ hợp tối ưu giữa mức độ bộc lộ ý kiến cá nhân và thu nhập còn lại để tiêu dùng các hàng hóa khác dựa trên nguyên lý về tối đa hóa độ thỏa dụng của Kinh tế học vi mô. Nếu môi trường mà chi phí để bộc lộ ý kiến bản thân là bằng 0, hoặc bộc lộ ý kiến sẽ nhận được lợi ích ròng dương thì cá nhân sẽ bộc lộ 100% ý kiến của mình. Đây là môi trường khuyến khích các cá nhân phát huy toàn bộ năng lực tư duy, và từ đó tập thể sẽ nhận được lợi ích lớn nhất. Đó chính là xu hướng mà nền kinh tế tích cực hướng đến. Nhưng nếu môi trường mà chi phí để bộc lộ ý kiến bản thân lớn thì người ta sẽ phải lựa chọn mức độ bộc lộ phù hợp. Khi chi phí này quá cao so với lợi ích từ việc bộc lộ ý kiến, chẳng hạn tố giác tội phạm khả năng bị trả đũa cao, người ta sẽ chọn giải pháp im lặng. Sự im lặng ở đây không phải là lỗi cá nhân mà là thất bại của thể chế vì thể chế không khuyến khích các cá nhân bộc lộ ý kiến. Như vậy mô hình tối đa hóa độ thỏa dụng có thể lý giải được những vấn đề của thể chế. Trong kinh tế học thể chế cũ, hệ thống thể chế được coi là vành đai bảo vệ cho các cá nhân, và khi nó thực hiện không tốt chức năng bảo vệ thì sẽ dẫn đến vấn đề tiêu cực cho xã hội. Trong kinh tế học thể chế mới, con người đặt ở vị trí trung tâm, các quy định do con người đặt ra được tổng hợp lại và hình thành nên thể chế. Do đó, thể chế sẽ thay đổi theo sự phát triển của con người. Vấn đề đặt ra ở đây là, thể chế thay đổi làm kinh tế phát triển hay kinh tế phát triển sẽ làm thay đổi thể chế? Nếu kinh tế phát triển dẫn đến thay đổi thể chế thì những điều kiện cần để thay đổi thể chế là gì? Hoặc ngược lại, thể chế thay đổi làm kinh tế phát triển thì ai sẽ là những người có thể chấp nhận rủi ro để thay đổi? Đó là những vấn đề mà chúng ta có thể tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.

TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi đứng dưới góc nhìn xã hội học cũng chia sẻ thêm với các khách mời về các vấn đề kinh tế tích cực. Theo TS. Nghi, rất nhiều công trình xã hội học đã tập trung vào hai mảng nghiên cứu: thứ nhất là các nghiên cứu về phát triển kinh tế dựa trên chạy theo lợi nhuận, đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn trước mắt (các sản phẩm dùng 1 lần, theo trào lưu, mì ăn liền) và thứ hai là các nghiên cứu về hiến tặng. Hai vấn đề này liên quan với nhau như thế nào? Mảng nghiên cứu đầu tiên nói về hành vi tiêu dùng, hưởng thụ vật chất trong khi mảng nghiên cứu còn lại nói về lòng nhân ái, sự vị tha. Nhưng theo TS. Nghi, hai mảng nghiên cứu này đều nằm trong một khung nghiên cứu lớn về tính công bằng trong xã hội. Khi trong xã hội, có những người rất giàu và những người khác lại không đủ ăn, mỗi người có thể nhìn nhận về công bằng xã hội theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là theo luật, công bằng là không làm hại đến người khác, hay sẽ trừng phạt những người gây hại đến người khác. Hướng thứ hai là từ tình thương, lòng bác ái, mong muốn bù đắp cho những người nghèo, người chịu thiệt thòi. Trong xã hội học, có nhiều cấp độ khác nhau để đánh giá sự thương người. Cấp độ nhỏ nhất là donation”, cho tặng người khác một vật gì đó mà người ta đang dư, không cần dùng đến, hoạt động này có mặt ở hầu hết các xã hội từ thấp đến cao. Cấp độ cao hơn làcharity”, các hoạt động từ thiện nảy sinh khi nhìn thấy một nhóm người chịu quá nhiều thiệt thòi, chẳng hạn việc cho tiền một nhóm người thiếu thức ăn hay giúp đỡ những người không có nhà cửa. Người ta chỉ muốn xoa dịu nỗi đau, mất mát của người khác, nhưng không suy nghĩ đến nguyên nhân và khả năng thoát khỏi khó khăn của nhóm người này. Cấp độ cao hơn nữa là “philanthropy[4], cũng là hoạt động cho tặng hay từ thiện nhưng giúp giải quyết nguồn gốc của vấn đề, để bất công không còn xảy ra nữa. Chẳng hạn, thay vì cho trẻ em đường phố thức ăn thì dạy cho trẻ em đường phố cách thức để kiếm sống; thay vì cho tiền những người phụ nữ bị bạo hành không chốn nương thân thì có thể tạo điều kiện cho họ học tập và tuyên truyền cho các chương trình phòng chống bạo hành với phụ nữ; … Cấp độ cao nhất là “altruism”, lòng vị tha bao gồm tất cả các hành động cho tặng, từ thiện và philanthropy. Trong xã hội học kinh tế, sau thời khủng hoảng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được chú ý nghiên cứu và được đo lường thông qua đánh giá về lòng vị tha, xem xét các hoạt động của doanh nghiệp có đóng góp vào đem lại sự thay đổi, sự công bằng hơn trong xã hội hay không. Bên cạnh các chỉ số về kinh tế và vật chất, kinh tế tích cực nhìn về một khía cạnh khác còn có thể đo lường qua các chỉ số về văn hóa và tinh thần. Trong đó, một thang đo còn nhiều tranh cãi là chỉ số về hạnh phúc. Một trong những tiêu chí đo lường hạnh phúc là người dân trong xã hội có cảm thấy sự công bằng trong phân phối của cải và công bằng về cơ hội hay không.

TS. Thanh Nghi cũng gợi ý cho các sinh viên, học viên sau đại học một số hướng nghiên cứu từ góc độ xã hội học là: nghiên cứu về lòng tin của những nhà hiến tặng về việc sử dụng đúng mục đích các khoản được hiến tặng; hay nghiên cứu về những điều kiện thuận lợi cho người hiến tặng và người nhận hiến tặng, đặc biệt là khi những người hiến tặng là Việt kiều sống ở nước ngoài.

THẢO LUẬN

Mở đầu phần thảo luận, một khách mời đề nghị TS. Dung cho biết rõ hơn về vai trò của kinh tế tích cực trong lý thuyết kinh tế học hiện đại? Theo TS. Dung, dường như đến nay, chưa có nhiều mô hình nghiên cứu bao hàm vấn đề kinh tế tích cực. Chúng ta có thể nhìn kinh tế tích cực từ hai phía: từ góc độ cá nhân, khi cá nhân quyết định có tính đến lòng vị tha thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến độ thỏa dụng, lợi nhuận của họ? Còn từ góc độ xã hội thì kinh tế tích cực sẽ đem lại điều gì? TS. Dung chưa tìm thấy nghiên cứu nào hay một mô hình toán nào về những vấn đề kinh tế tích cực. Đây có thể là mảng trống cho các nghiên cứu mới, chẳng hạn đo lường sự ảnh hưởng của lòng vị tha đến độ thỏa dụng của cá nhân hay lợi nhuận của doanh nghiệp, so sánh độ thỏa dụng của cá nhân và xã hội khi hành động không vì lòng vị tha với khi hành động vì lòng vị tha. Lúc này, chúng ta có thể cần định nghĩa lại độ thỏa dụng, đó không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà còn tính đến thỏa dụng của người đó dựa trên quan sát về lợi ích của phần còn lại trong xã hội. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp, tiêu chí đo lường lợi ích không còn là lợi nhuận mà phải là một tiêu chí khác, thể hiện được mức đóng góp tích cực trong xã hội. ThS. Chương bổ sung thêm rằng, khi nghiên cứu kinh tế tích cực, định nghĩa của độ thỏa dụng không chỉ là mức thỏa mãn từ việc tiêu dùng hàng hóa mà còn từ đánh giá của xã hội đối với cách chúng ta tiêu dùng hàng hóa đó.

Một khách mời khác muốn biết rõ hơn rằng, cốt lõi để xây dựng nền kinh tế tích cực là từ yếu tố nào, giáo dục từ những đứa trẻ hay thay đổi từ các doanh nghiệp? TS. Dung cho biết, báo cáo của J. Attali không đề cập đến vấn đề ưu tiên cho yếu tố nào mà cần thực hiện đồng bộ tất cả các yếu tố. Và như TS. Dung đã trình bày, việc yêu cầu thực hiện tất cả các vấn đề cùng lúc là gần như không khả thi. Có thể khi thực hiện báo cáo này, J. Attali chỉ nghiên cứu đặc điểm của Pháp và các nước châu Âu phát triển mà không xem xét đến vấn đề của các nước đang phát triển. Việt Nam hay những nước đang phát triển khác thì không có đủ nguồn lực để thực hiện đồng thời các yếu tố này. Thực tế là ngay cả ở các nước châu Âu cũng không triển khai được, tuy lộ trình là thực hiện đến 2017 nhưng đến nay gần như lòng vị tha hay kinh tế tích cực không còn được nhắc đến nữa. Theo ThS. Chương, không có một câu trả lời chung cho tất cả các trường hợp, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những động lực khác nhau và do đó sẽ cần tác động vào những yếu tố khác nhau. Vì vậy, trước hết chúng ta cần có một nghiên cứu cụ thể rằng giữa phát triển kinh tế và thể chế, đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả? Và nếu thể chế tạo ra phát triển kinh tế thì yếu tố nào là nguyên nhân giúp thay đổi thể chế. TS. Nghi bổ sung thêm rằng, lòng vị tha là yếu tố vốn có trong mỗi con người chứ không cần nhờ đến giáo dục, mặc dù đôi khi xã hội thực tế dần dần làm thui chột đi lòng vị tha đó. Hiện nay, chúng ta có thể thúc đẩy lòng vị tha thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.

Một khách mời chia sẻ từ góc độ nghiên cứu luật rằng, ở Việt Nam, có thể sự thay đổi trong thể chế sẽ dẫn đến phát triển kinh tế nhanh hơn, vì đặc thù ở Việt Nam tác động của yếu tố chính trị đến các quy định pháp luật hiện còn rất lớn và qua đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, chẳng hạn như luật về sở hữu đất đai. Bên cạnh đó, những thay đổi trong các quy luật kinh tế phát triển cũng dẫn đến thay đổi trong các quy định pháp luật (như những thay đổi trong Luật Dân sự sắp được thông qua vào khoảng tháng 12/2015). Theo quan sát của TS. Dung về sự phát triển của một số quốc gia, sự thay đổi thể chế và phát triển kinh tế có tác động lẫn nhau, mang tính luân phiên. Thể chế tạo ra sự phát triển, nhưng khi kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó, đòi hỏi thể chế phải thay đổi để kinh tế tiếp tục đi lên. Có thể trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam, kinh tế đã phát triển chạm ngưỡng và cần phải thay đổi thể chế thì kinh tế mới có thể tiếp tục phát triển.

Tiếp theo mạch thảo luận về thể chế, khách mời khác đặt câu hỏi rằng để duy trì được kinh tế tích cực thì yếu tố quan trọng là thể chế hay lòng vị tha? Và có khả thi để làm cho tất cả mọi người cùng có lòng vị tha và xây dựng kinh tế tích cực hay không? Theo ThS. Chương, một thể chế mạnh sẽ duy trì lòng vị tha và tầm nhìn dài hạn. Những thể chế không mạnh sẽ tạo ra các khuyến khích ngược, nghĩa là làm cho người ta thay đổi hành vi theo hướng tiêu cực. Nhưng khi nào thể chế đủ mạnh và lực lượng cải cách nào có thể thúc đẩy thay đổi thể chế? ThS. Chương cho rằng lực lượng doanh nhân, tri thức thường là lực lượng có thể thay đổi thể chế thông qua chấp nhận rủi ro để thử nghiệm những điều mới. Khi mọi người thấy thay đổi này là đúng thì họ mới đi theo và tạo ra sự cải cách trong xã hội. Do vậy, thể chế là quan trọng để xây dựng kinh tế tích cực, không cần đòi hỏi mọi người phải cùng có lòng vị tha thì mới xây dựng được kinh tế tích cực. Theo chia sẻ của một khách mời khác, thể chế ở Việt Nam cũng đang có sự thay đổi theo hướng hỗ trợ kinh tế tích cực. Bằng chứng là điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp đã có đề cập đến doanh nghiệp xã hội, chúng ta có thể tham khảo thêm để hiểu rõ hơn về cách hoạt động kinh doanh theo hướng kinh tế tích cực.

Khách mời khác cho rằng con người luôn hành động vì lợi ích của bản thân nên khi nào một người thấy việc cho đi đem lại lợi ích cho họ thì họ mới thực hiện. Như vậy, tăng cường lòng vị tha của con người thì sẽ dễ xây dựng kinh tế tích cực hơn là dựa vào thể chế? ThS. Chương cho rằng, việc con người hành động vì lợi ích riêng là giả thuyết của kinh tế học tân cổ điển, còn ở đây, lợi ích cần được hiểu là độ thỏa dụng. Khi một người cho đi, thu nhập của họ bị giảm nhưng phần gia tăng lợi ích do thỏa mãn về mặt tâm lý sẽ bù đắp cho phần sụt giảm của thu nhập. Bởi vậy, khi đo lường ta phải định nghĩa lại độ thỏa dụng của cá nhân. Độ thỏa dụng bao gồm cả sự bằng lòng, thỏa mãn của cá nhân khi thực hiện các hoạt động cho tặng, từ thiện ngay cả khi không được người khác biết đến. Đó cũng là các thể chế phi chính thức. Và khi nào thể chế phi chính thức không còn tác dụng thì sẽ cần đến các luật thành văn với các chế tài (thể chế chính thức).

Như vậy, kinh tế tích cực thực ra đã nảy sinh từ lâu nhưng trước báo cáo của J. Attali, chưa ai đưa ra khái niệm kinh tế tích cực và nhắc đến định nghĩa lòng vị tha và tư duy dài hạn. Báo cáo này đã giúp đặt tên cho một phong trào, định hình rõ ràng hơn vấn đề về kinh tế tích cực và cung cấp những chất liệu mới cho các nghiên cứu định tính, định lượng trong tương lai, từ những mô hình toán đến các nghiên cứu thể chế, xã hội học.

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"