Tối ngày 31/07/2015, tại hội trường 601 Trường Đại học Mở Tp.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đã tổ chức buổi chiếu phim tư liệu với chủ đề: "ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: VÌ SAO CÁC BÃI CÁT BIẾN MẤT" với gần 50 khách mời quan tâm tham dự.
Đây là cuốn phim được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp (Arté) năm 2013 và nhận được giải thưởng Gấu Trúc Vàng (A Gold Panda Award)- giải thưởng dành cho phim tư liệu xuất sắc nhất năm 2013. Nội dung của cuốn phim đề cập đến vai trò của cát trong xã hội hiện đại cũng như những hệ lụy của việc khai thác cát bừa bãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ông Michael Welland, một nhà địa chất người Anh, chúng ta có thể gọi cát là người hùng của thời đại bởi vì cát có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống của chúng ta. Cát len lỏi một cách kín đáo và trong mọi ngõ ngách hằng ngày, tan chảy và biến thành ve chai. Không dừng lại ở đó, cát còn là nguồn của bô xít pencilitum, một hợp chất khoáng đã len vào tận rượu vang mà chúng ta uống, giữ vai trò chính trong các sản phẩm giặt, tẩy rửa, giấy, thức ăn khô, trong keo xịt tóc, trong kem đánh răng và trong nhiều loại mỹ phẩm v.v…Tóm lại chúng ta không thể sống thiếu cát. Tuy nhiên, thông điệp từ bộ phim chỉ rõ rằng cát không hề vô tận. Với một nhu cầu khổng lồ lên đến 15 tỷ tấn cát một năm trên toàn thế giới, các công ty kinh doanh cát liên tục từ nhiều thập niên nay ngày đêm nạo vét lòng sông, bờ biển, đáy biển sâu. Những hệ lụy của việc khai thác cát bừa bãi tại nhiều quốc gia trên thế giới đã gần như quá muộn, không còn có thể cứu vãn được.
Quang cảnh buổi thảo luận
Sau hơn 1 giờ công chiếu, không khí của buổi xem phim trở nên hết sức sôi nổi khi có nhiều câu hỏi lần lược được đặt ra cho các vị khách mời tham gia chương trình.
PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Phó tổng Cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi
TS.Vũ Việt Hằng, Trường Đại học Mở TpHCM
PGS.TS. Đinh Công Sản, Phó giám đốc Trung tâm Chỉnh trị Sông và Phòng chống Thiên tai, Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi
Hỏi: “Trong phim có đề cập tới xà bần là dùng để làm đường, vậy xà bần có nhược điểm gì mà không được sử dụng phổ biến trong xây dựng? Ngoài ra, theo tôi được biết, ở Mũi Tàu - Gò Công đang có đề án xây dựng đê chắn sóng. Vậy ở đây có vấn đề gì mà chính phủ phải xây đê chắn sóng và việc xây đê chắn sóng có thiết thực hay không bởi lẽ thông tin từ bộ phim cho thấy việc xây đê sẽ làm xói lở cát ở bờ biển?”
PGS.TS Đinh Công Sản: Tôi chưa nghiên cứu việc xà bần được dùng làm nguyên liệu trong xây dựng đường. Xà bần là hỗn hợp bao gồm cát, đá gạch, hiện vẫn được dùng làm vật liệu san lấp nền, tuy nhiên khối lượng xà bần này không lớn, rải rác khắp nơi và không tập trung về 1 chổ. Vì vậy, xà bần chỉ có thể sử dụng để san lấp nền trong các khu nhỏ, còn đối với các công trình lớn thì khối lượng này không đủ để khai thác dể dàng như cát. Trong khi đó. cát có ưu điểm là tương đối dễ khai thác và giá rẻ.
TS. Lê Mạnh Hùng: Thật ra, trong xây dựng, nếu chỉ sử dụng xà bần không thì nguyên vật liệu tạo ra không có độ chắc và chặt. Nếu chúng ta kết hợp cát và xà bần lại thì độ bền, độ rắn chắc của nguyên vật liệu rất tốt. Khi đổ bê tông mà có cả xà bần, đá và có cát nữa thì sẽ tăng độ chặt của bê tong và đỡ tốn xi măng. Cũng cần phải nói thêm rằng, xà bần gồm hỗn hợp gạch, ngói vỡ, cát …không đủ độ cứng để làm cốt liệu cho bê tông max cao, thông thường chỉ dùng cho bê tông lót. Liên quan đến câu hỏi về công trình xây dựng đê ở Mũi tàu Gò Công. Thực tế hiện nay công trình chưa xây dựng, mới đang trong giai đoạn nghiên cứu để xem xét tính khả thi của dự án. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang cho thực hiện một số đề tài để trả lời một số câu hỏi có liên quan như:
-Về mặt kỹ thuật, có thể xây dựng được tuyến đê biển hay không với điều kiện địa chất, độ sâu, song … ở khu vực dự kiến xây dựng đê biển Vũng Tàu-Gò Công;
-Về tác động của tuyến đê trước, trong và sau khi xây dựng, ảnh hưởng thế nào tới kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể là: Ảnh hưởng thế nào tới giao thông đường thủy, các bến cảng trên song Soài Rạp, Lòng tàu .. Ảnh hưởng thế nào đến rừng ngập mặn Cần Giờ; Ảnh hưởng ra sao tới môi trường khu vực lân cận đặc biệt là khu vực bãi tắm Vũng Tàu; Bên cạnh đó khi xây dựng xong tuyến đê biển thì hiệu quả chống ngập cho thành phố HCM, tạo không gian cho phát triển kinh tế của thành phố và các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Trung khi đi lại thuận lợi hơn v.v…
Nội dung trong phim đã đề cập đến những điều rất thú vị khi cho rằng việc xây dựng đê là làm gia tăng xói lở và tôi tin rằng chúng ta có quyền đưa ra những nghi vấn. Thế nhưng, trên thực tế chúng ta luôn phải cân nhắc nhiều yếu tố và khi làm một chuyện gì thì luôn có được, có mất. Nếu chúng ta nghĩ rằng không nên xây dưng vì sợ ảnh hưởng thì tốt nhất con người đừng đụng vào thứ gì của tự nhiên cả, cứ để như vậy mà sống. Vấn đề ở đây chỉ là lựa chọn giữa lợi ích và thiệt hại, cái nào có lợi ích nhiều hơn thì chúng ta chọn, đó là phần ý kiến của tôi.
Hỏi:“Ở Việt nam, chúng ta lấy cát ở đâu để xây dựng, khai thác từ trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài? Đối với bờ biển ở Việt Nam thì các Thầy/Cô, những người của thế hệ trước có thấy tình hình bãi biển có gì thay đổi so với hồi trước không? Có phải các bãi biển ở Việt Nam đang rút ngắn dần và biến mất giống như bãi biển ở các nước khác như trong bộ phim không?”
PGS.TS Đinh Công Sản tham gia giao lưu
PGS.TS Đinh Công Sản: Nếu nhìn bãi biển thì chúng ta thấy là xây dựng của mình phát triển rất mạnh, có điều mình chỉ thấy sự thay đổi trên cơ sở hạ tầng là chính, còn sự thay đổi về bãi biển thì không thấy rõ lắm và cũng không nhiều lắm, nhưng tất nhiên là cũng có những khu vực bị xói lở nhiều so với trước đây. Vậy câu hỏi là tại sao bị xói lở, có phải là do yếu tố về thay đổi biến đổi khí hậu không? Như các bạn thấy trong phim có đề cập tới thì thiên nhiên cũng có tác động chứ không phải là không, nhưng thiên nhiên chỉ tác động 1 còn chúng ta tác động 10.
Nếu chỉ nhìn ở góc độ tác động đến bãi biển thì còn tương đối hạn hẹp. Để thấy vấn đề rõ hơn, tôi lấy ví dụ đoạn ven biển ở Đồng bằng Sông Cửu Long từ Vũng Tàu đến Kiên Giang. Vừa rồi chúng tôi báo cáo với chính phủ là có đến 2/3 chiều dài bờ biển, dọc theo bờ biển phía Nam đã bị xói lở. Trước đây ta thấy biển miền Tây thì luôn luôn bồi, tức là nguồn cát từ sông Cửu Long đưa về và ra cửa sông rồi sau đó gió thổi về phía mũi Cà Mau, bồi đắp cho mũi Cà Mau rồi lên Kiên Giang v.v…. Dòng di chuyển của nguồn cát đi như vậy sẽ bồi đắp cho mũi Cà Mau, mỗi năm đến vài trăm mét. Đó là câu chuyện của trước đây. Trong những năm gần đây, chúng tôi theo dõi thấy tình hình rất khác. Ví dụ như miền Tây chẳng hạn, hiện tượng xói lở rất nhiều chứ không phải là bồi lắng nữa, thậm chí có những khu vực bị xói lở, tức là bị lấn vào trong đến 40-50 mét/ 1 năm. Với tốc độ hiện nay thì chúng ta mất khoảng 500 hecta/ năm nếu như không có biện pháp khắc phục. Tình hình rất đáng báo động. Vừa rồi nghe chúng tôi báo cáo lại thì Thủ Tướng rất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất là tác động của thượng nguồn, tức là việc xây dựng đập ở thượng nguồn của sông Mêkong đã giữ hết cát lại và hệ quả là hiện tượng như tôi vừa đề cập. Đó là câu chuyện mà chúng ta đang phải đấu tranh với các nước thượng nguồn Mêkông như Lào, Trung Quốc, Campuchia. Vấn đề thứ hai là do chính chúng ta. Việt nam và Campuchia đã xuất khẩu cát sang Singapore. Việt Nam đã từng xuất khẩu cát rồi,sau đó cấm, bây giờ lại đang quy hoạch lại việc khai thác cát. Theo tính toán của chúng tôi với tốc độ khai thác cát như hiện nay thì chẳng bao lâu sẽ không còn cát tự thượng nguồn chảy ra biển nữa vì cát lắng đọng hết trên các hồ chứa thượng nguồn rồi, một phần cát không nhiều lắng đọng dọc dòng sông. Hiện nay, tốc độ khai thác cát song vào khoảng 28 triệu mét khối/năm, bằng 10 lần số lượng cát từ thượng nguồn chảy về. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu, dẫn tới tình trạng xói lở bờ song gia tăng trong nhiều năm qua.
Hỏi: “Vậy cát xây dựng của chúng ta hiện nay lấy từ đâu?”
PGS.TS Đinh Công sản: Cát của mình hiện nay rất rẻ. Cát xây dựng thì vào khoảng 150.000 đồng/m3, cát san lấp thì rẻ hơn cát xây dựng. Các doanh nghiệp có lấy trộm cát biển nhưng không nhiều lắm vì cát biển sau khi khai thác thì phải rửa lại. Cát trên sông thì sạch hơn. Cát biển được dùng trong san lấp thôi nhưng thực ra ở các vùng san lấp thì cát sông là chủ yếu. Hiện nay, chúng ta dùng cát sông là chủ yếu để xây dựng ở các công trình, cát biển thì cũng có nhưng ít. Một số doanh nghiệp đang nghiên cứu để sử dụng cát biển để làm thủy tinh.
TS. Vũ Việt Hằng trao đổi với các khách mời
Hỏi : Vừa rồi chúng ta thấy báo chí đưa tin về nạn khai thác cát trái phép, có thể nói rất trầm trọng ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Quảng Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Vũng Tàu, hay Đồng Nai. Hiện nay tình hình mưa lũ ở Quảng Ninh dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng thì không biết có liên quan gì đến việc khai thác cát trái phép hay không? Khi đọc các bài báo liên quan đến vấn đề này, tôi cảm thấy như chúng ta bất lực, chính quyền bất lực với nạn khai thác cát đó. Vậy không biết ý kiến của các thầy về vấn đề này như thế nào? Chúng ta có hướng và có cách đóng góp như thế nào để nhà nước mình ngăn chặn tình trạng này?
TS. Lê Mạnh Hùng: về trường hợp ở Quảng Ninh thì tôi cho rằng không phải là do nạn khai thác cát tràn lan làm ảnh hưởng đến sông rạch gây ra sạt lở, lũ lụt lớn. Chúng ta phải hiểu rằng dòng sông là sự thống nhất của 2 mặt đối lập đó là dòng chảy và lòng dẫn do chính nó tạo ra, nếu chúng ta tác động vào lòng dẫn, làm lòng dẫn thay đổi thì dòng chảy sẽ bị thay đổi theo và ngược lại. Chính vì vậy, khai thác cát là một dạng tác động vào lòng dẫn, làm thay đổi lòng dẫn và như vậy dòng chảy phải thay đổi để phù hợp với lòng dẫn mới tạo nên. Sự thay đổi có tính chất dây truyền diễn ra trên chiều dài lòng sông, trong một khoảng thơi gian dài tới khi dòng sông đạt được trạng thái cân bằng mới. Sạt lở, bồi lắng bờ sông xảy ra mảnh liệt nhất ở những đoạn sông, vào thời gian trước khi lập lại trạng thái cân bằng mới. Nói vậy, nhưng khai thác cát sông không phải hoàn toàn có hại. Ở một khía cạnh nào đó, khai thác cát sẽ khơi thông dòng chảy và tạo điệu kiện cho tàu bè đi lại thuận lợi hơn, thoát lũ nhanh hơn v.v… Vấn đề nằm ở chỗ vị trí khai thác, khối lượng khai thác sao cho hợp lý để phát huy các mặt tích cực hạn chế các mặt tiêu cực. Như vậy, với góc độ quản lý, trước hết chúng ta phải có qui hoạch khai thác cát, sau đó cấp phép khai thác cát trên cơ sở qui hoạch, cuối cùng là phải tăng cường kiểm tra và xử vi phạm, với mức phạt cao đủ sức răn đe.
PGS.TS Đinh Công Sản: Thông tin chúng ta vừa trao đổi là vấn nạn cát tặc. Đây là hiện tượng khai thác cát bán lấy tiền của một số thuyền nhỏ lẻ, cơ động. Thông thường, trên một dòng sông được chia làm một bên lở và một bên bồi. Thường thì cát bên lở có chất lượng rất tốt và bán được với giá rất cao nên cát tặc hay nhắm vào đó mặc dù cát ở những khu vực như vậy thường không được phép khai thác vì rất nguy hiểm. Ngoài những cát tặc nhỏ thì cũng có những cát tặc “khủng”, tức là có sự thông đồng của một số doanh nghiệp trong việc khai thác cát với cơ quan chính quyền. Để cụ thể hơn, tôi xin lấy ví dụ về qui hoạch khai thác cát. Ở một số nơi, chính quyền địa phương được doanh nghiệp tài trợ trong công tác lập qui hoạch. Cụ thể là các doanh nghiệp chuẩn bị khai thác cát lại thường đi thuê đội tư vấn để khoan xem coi chỗ này sâu bao nhiêu, từ đó đề xuất qui hoạch khai thác cát. Rủi ro sẽ rất cao vì các doanh nghiệp sẽ chỉ đề xuất thông tin có lợi cho họ. Như vậy mới xảy ra câu chuyện ở Vĩnh Long là khai thác cát bị sạt lở và trôi mất mấy hầm cá trị giá lên gần chục tỷ của dân. Khi vụ việc xảy ra, vấn đề được đưa ra tòa và khi tham gia vào nghiên cứu, khảo sát tình hình, chúng tôi phát hiện ra nguyên nhân là do doanh nghiệp đó lấy cát quá sâu so với thiết kế nhưng họ lại chứng minh là chỗ đó không có cát mà chỉ toàn bùn. Không biết là doanh nghiệp đó có khai thác được gì ở đấy hay không nhưng chúng tôi chứng minh được rằng do khai thác quá sâu mà dẫn đến sạt lở. Họ thì cứ bảo có lấy được cát đâu. Ý tôi muốn nói rằng là khi khảo sát thông tin để lập qui hoạch thì chỉ có người khảo sát mới biết độ dày của cát như thế nào. Còn cơ quan nhà nước sau khi làm thăm dò thì duyệt -cho doanh nghiệp khai thác theo số liệu thăm dò. Ngoài ra, khi đề cập đến chính sách trong việc quản lý và khai thác cát, tôi còn nhớ thầy Hùng (PGS.TS.Lê Mạnh Hùng) đã từng đặt vấn đề với các anh bên Sở Nội Vụ nghiên cứu tất cả các văn bản pháp quy từ Trung ương đến địa phương liên quan đến việc khai thác cát để xem là bất hợp lý ở chổ nào, sai sót ở chổ nào. Có thể nói rằng là pháp luật của chúng ta có rất nhiều qui định nhưng bị chồng chéo, mâu thuẩn, không rõ ràng, không rành mạch. Thêm nữa, khi tiến hành nghiên cứu chúng tôi còn thấy lỗ hổng về thuế cho tài nguyên cát. Hiện tại, người khai thác chỉ đóng thuế khoảng 6.000 đồng/ khối cát. Con số này quá thấp, nếu lấy 6000 đồng đó để đi khắc phục những sự việc sạt lở như trên thì nó không thấm vào đâu cả. Vì vậy chúng tôi cũng đề nghị phải tăng thuế tài nguyên cát và sau đó sử dụng một phần kinh phí này đầu tư cho lực lượng quản lý ở địa phương, và phải phối hợp với tất cả các ban ngành địa phương thì mới giảm được nạn cát tặc như chúng ta nói.
Khách mời tham gia trao đổi ý kiến
Câu hỏi & chia sẻ (Thầy Nguyễn mạnh tường, Giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng): Ở bãi biển Nha Trang quê tôi cũng có hiện tượng sạt lở và bãi biển ngày càng ngắn. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên đi công tác tại các tỉnh Duyên Hải Miền Trung và nhận thấy hiện tượng sạt lở rất nhiều ở Đà Nẵng rồi Phú Yên, Tuy Hòa và nó giống như trong phim vậy đó. Vậy thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề xuất giải pháp nào để nghiên cứu và bảo quản bờ biển Việt Nam với chiều dài là 3200 cây số chưa? Ngoài ra, do có nghiên cứu về vấn đề sạt lở ở Đồng bằng Sông Cửu Long nên khi thấy hiện tượng sạt lở ở các tỉnh Miền Trung, tôi cũng cất công tìm hiểu về các công trình chống sạt ở các tỉnh đó, thế nhưng tôi không thể tiếp cận thiết kế của các kết cấu công trình này được vì nó giống như là bí mật quốc gia vậy. Tôi nghĩ cần phải chia sẻ thông tin để mọi người đóng góp ý kiến như vậy sẽ tốt hơn. Thêm nữa, tôi nhận thấy hằng năm chúng ta vẫn phải bỏ tiền ra xây dựng các công trình chống sạt rất đắt tiền nhưng sạt lở thì vẫn xảy ra. Ví dụ như kè ở Cần Thơ làm vẫn bị sạt lở, kè Long An cũng vậy. Ngay cả bờ kè ở kênh Nhiêu Lộc Tp.HCM, sử dụng loại kết cấu vật liệu rất tốt nhưng không giải quyết bài toán một cách ổn thỏa, tức là bờ kè này lại ảnh hưởng đến các nhà dọc theo 2 bên. Dọc đoạn Thị Nghè còn rất nhiều nhà nứt vẫn chưa đền bù, giải tỏa, xử lý được. Ở đây có thầy Hùng công tác ở bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, không biết Bộ có những biện pháp gì để hiện tượng đó hay chưa?
TS. Lê Mạnh Hùng: trước hết, xin rất cám ơn những vấn đề anh đặt ra, nhưng thú thật đây là vấn đề khó. Tại sao lại khó? vì nó không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn vướng vào rất nhiều yếu tố khác như các yếu tố xã hội, chính trị…Như chúng ta đã biết, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở rất nhiều nơi, ví dụ ở biển Hải Hậu của Nam Định rồi Thái Bình, Sầm Sơn Thanh Hóa. Dọc theo bờ biển miền Trung thì có Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và Nha Trang. Trong miền Nam thì có Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc điểm tự nhiên sông, gió, địa chất .. mỗi nơi một khác, tác động của con người vào các khu vực cũng không giống nhau, nhưng nhưng số liệu đầu vào rất quan trọng để xác định đúng nguyên nhân, bản chất, xu thế của xói lở thì chỗ nào cũng thiếu, không đồng bộ, không chính xác. Tình trang số liệu như vậy làm sao chúng ta có thể giải quyết được căn bệnh trầm kha đây, hay có gì làm nấy để dẫn tới tình trạng như đãng diễn ra. Bên cạnh đó việc phân công chồng chéo giữa các bộ, ngành, địa phương đã làm cho vấn đề them khó giải quyết. Chẳng hạn, một vị trí xói lở bờ sông đang diễn ra, Bộ nào chịu trách nhiệm giải quyết đây, phải chăng trách nhiệm thuộc Bộ NN&PTNT, xin thưa đoạn sạt lở bờ sông có đê thuộc Bộ NN quản lý, không có đê là của Bộ Tài nguyên & Môi trường, mà sông có và không đê thì chưa được cụ thể hóa. Hơn nữa cơ chế xin cho vẫn còn tồn tại, chủ chương xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế những bức xúc của anh cũng là những bức xúc của chúng tôi và đang được cấp có thẩm quyền từng bước giải quyết.
PGS.TS Đinh Công Sản: Tôi xin bổ sung thêm là ngoài những cố gắng của Ngành thì Bộ cũng rất là trăn trở, thậm chí là tổ chức nhiều hội thảo về sạt lở cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vừa rồi tổ chức ở Bạc Liêu, tháng sau tổ chức ở Sóc Trăng. Khi đánh giá các giải pháp công trình đã làm thì theo tôi, có thể nói là chúng ta vẫn chưa tìm được giải pháp nào phù hợp. Một số công trình do doanh nghiệp tự chạy vốn để làm nhưng chẳng biết kỹ thuật ở đâu và rồi cũng được duyệt. Nhưng đến khi Bộ Nông Nghiệp vào kiểm tra thì hỡi ôi, tại sao lại có những công trình như thế này. Như tôi nói lúc đầu là 2/3 bờ biển đã bị sạt lở rồi, nếu chúng ta cứ bỏ tiền vào xây kè thì rất tốn kém. Mỗi 1 mét bờ kè là 100 triệu tức là 1 kilômét phải tốn cả chục tỷ thì không cách nào chúng ta làm được hết. Bây giờ chỉ còn cách khôi phục lại hiện trạng ban đầu của một số khu vực có thể giữ đất như rừng ngập mặn. Tuy nhiên không phải chỗ nào cũng khôi phục được. Tôi cũng có làm việc với các tổ chức nước ngoài như GIZ của Đức hay là Viện sinh thái và bảo vệ công trình(chuyên nghiên cứu các giải pháp trồng rừng ngập mặn) thì họ đề xuất giải pháp là dùng các hàng rào tre, cừ tràm để bẫy bùn. Sau 1 hoặc 2 năm sau thì đất bồi lên. Theo kinh nghiệm như vừa rồi thì tổ chức GIZ làm thành công nhưng người ta không khôi phục rừng ngập mặn ngay mà ý đồ là để cho nó tái tạo tự nhiên. Tuy nhiên tái tạo tự nhiên ở đây thì hơi khó. Theo tôi, chúng ta - giữ được bùn cát rồi thì phải trồng cây ngay để giữ bùn cát. Đó là một số giải pháp mà Bộ đang nỗ lực thực hiện để xem xét bảo vệ bờ biển cũng như bờ sông.
Tôi cũng xin nói thêm là kênh rạch của chúng ta bị sạt lở rất nhiều. Vừa rồi tôi đã báo cáo với Thứ Trưởng Hoàng Văn Thắng của Bộ Nông Nghiệp là tuyến kênh chính Cà Mau- Bạc Liêu là tuyến kênh huyết mạch để tàu bè lưu thông. Vấn đề là ở chỗ ngành thủy lợi phụ trách đào kênh nhưng ngành giao thông lại sử dụng là chính. Giao thông đường thủy góp phần tạo ra sóng và sóng vỗ lên bờ gây hư hỏng. Thế nhưng, bên giao thông chả chịu trách nhiệm gì hết. Vì vậy, về mặt chính sách thì anh giao thông phải đóng góp 1 phần tiền vào đấy. Tôi kiến nghị Bộ như vậy. Thứ hai về mặt luật pháp thì cũng có những vấn đề bất cập. Ví dụ như chúng ta qui định rằng phải có một hành lang bảo vệ an toàn cho đường thủy. Khi chúng tôi đào xong, có đường thủy rồi thì bên giao thông lại bảo chúng tôi phải làm thêm hành lang an toàn nữa để phục vụ an toàn giao thông. Tuy nhiên qui định này là có vấn đề: đối với khu vực có người dân sống cạnh bờ sông thì chính người dân trong khu vực này đã vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy. Hơn nữa họ lại xây dựng một số công trình kiên cố làm biến dạng nền đất và từ đó gây ra sạt lở. Trường hợp của Thanh Đa (TpHCM), Trà Nóc (Cần Thơ) là bài học. Thế nhưng, ở những kênh không sâu lắm thì việc người dân sống gần bờ lại có lợi. Trong trường hợp này, để chống sạt lở bờ sông người ta dùng các cừ tràm, tre để chóng đỡ. Vì vậy, ở những nơi người dân sống sát bở thì nơi đó không bị sạt lở, vì người dân phải chống đỡ để bảo vệ chính họ, còn những chỗ không có dân ở thì bị sạt lở vào đến tận đường quốc lộ. Chúng tôi đã chứng minh được điều đó. Quí thầy cô và các bạn sinh viên có thể đi dọc các tuyến đường tôi vừa nói sẽ thấy như vậy. Đó là một số ý tôi xin bổ sung thêm vào vấn đề chống sạt lở ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Câu hỏi: ” Khi xem bộ phim này, em thấy hình thù của cát ở sa mạt và cát ở biển có khác nhau. Cát ở biển được hình thành từ sự bào mòn núi và yếu tố của tự nhiên. Vậy còn cát ở sa mạc hình thành từ đâu mà nó có sự khác biệt như vậy? Và cát sa mạc thì không thể thay thế cho cát biển trong xây dựng, vậy ngòai ngành xây dựng mình có thể sử dụng cát ở sa mạt cho các ngành công nghiệp khác được không, như chế tạo thủy tinh chẳng hạn?”
TS.Lê Mạnh Hùng tham gia giao lưu
PGS.TS Đinh Công Sản: Sự khác biệt giữa 2 loại cát thì trong phim người ta cũng có đề cập tới và phân tích rồi. Cát cần có góc cạnh để nó bám dính vào xi măng thì mới có tác dụng. Thông tin từ bộ phim cho thấy cát là thành phần chính tạo nên thủy tinh. Tuy nhiên, tôi mới nghe và tôi cũng thấy khá là bất ngờ tại sao người ta không dùng cát sa mạc đó để làm các vật liệu thủy tinh. Trong phim không thấy đề cập đến vấn đề đó. Tôi nghĩ nếu cát sa mạc chỉ gặp vấn đề ở góc cạnh thôi thì mình hoàn toàn có thể dùng cho các công nghiệp thủy tinh hay tất cả các ngành công nghiệp khác có liên quan. Còn về câu hỏi tại sao cát sa mạc lại tròn thì theo tôi là do gió làm bào mòn và sau đó bị cuốn đến tập trung ở 1 vùng nào đó và hình thành nên sa mạc. Vậy nguồn gốc của cát sa mạc chắc chắn là phải từ bãi biển, nếu nó hình thành từ trên núi trên sông thì hạt cát đó nó phải to hơn, nó không thể nhỏ như vậy. Theo gió di chuyển như vậy thì chỉ có từ ngoài biển đi vào
TS. Lê Mạnh Hùng: tôi cũng đã đọc tài liệu về sự hình thành của cát thì cát sa mạc hay cát sông biển đều hình thành từ đá, từ sự bào mòn và được tạo thành hạt. Ở một số nước như Liên Xô và đồng minh của Liên Xô trước đây thì hạt cát phải từ 0,5 đến 2 mm. Các nước Tây Âu thì 0,5 đến 1 mm, và cát rất tốt. Bản thân cát ở sa mạc thì bị tác động của nắng gió, rồi dần dần bị bào mòn. Cát không còn độ rắn chắc như cát ở sông. Cũng có ý tưởng được đưa ra là dùng cát sa mạc để chế thủy tinh, rồi sau đó khi thủy tinh hết dùng nữa thì chuyển thành cát để phục vụ xây dựng. Tôi cho rằng cách thức này về mặt kỹ thuật rất khả thi nhưng chưa hiệu quả về kinh tế. Hiện tại vì cát sông còn quá rẻ nên người ta vẫn thích dùng cát sông hơn.