Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tóm lược seminar " Vai trò của các nghiên cứu hàn lâm trong các quyết định chính sách kinh tế ở Úc..."

Ngày 21/08/2015, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trường đại học Mở TpHCM đã tổ chức buổi seminar trao đổi học thuật với chủ đề "Vai trò của các nghiên cứu hàn lâm trong các quyết định chính sách kinh tế ở Úc: Những điều chưa biết" và thu hút giảng viên, sinh viên ở trường đại học Mở TpHCM, trường Đại học Tài nguyên Môi trường tham dự. Diễn giả chính của buổi báo cáo này là TS. Võ Hồng Đức, Giám đốc Nghiên cứu và Định giá – Ủy ban Quản lý Kinh tế – Perth – Australia, Giảng viên Đại học Edith Cowan – Australia và Đại học Mở TP.HCM. 

Mở đầu phần trình bày, TS. Võ Hồng Đức cho rằng các nhà kinh tế học thường cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào thị trường vì thị trường hoạt động tự do sẽ đem lại hiệu quả. Vậy tại sao tại một đất nước cởi mở như Úc mà chính phủ vẫn can thiệp vào điều tiết giá? Giải thích vấn đề này, TS. Võ Hồng Đức cho biết, Úc là đất nước có diện tích rất rộng trong khi dân số ít (khoảng 25 triệu dân), đặc biệt là vùng phía Tây rộng lớn chỉ có khoảng 2,6 triệu dân. Vì mật độ dân cư rất thưa nên Tây Úc không khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, mỗi lĩnh vực thường chỉ có một hoặc một số ít doanh nghiệp cung ứng. Do vậy, các doanh nghiệp này với vị thế độc quyền sẽ sử dụng sức mạnh thị trường của mình để quy định mức giá bán cao nhằm thu nhiều lợi nhuận. Do vậy, việc nghiên cứu các chính sách điều tiết giá đối với những ngành độc quyền, chủ yếu trong các lĩnh vực điện, nước, ga, vận tải công cộng,… là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc định giá các hàng hóa, dịch vụ độc quyền được chính phủ Úc (bao gồm cả cấp Liên Bang và Bang) trao cho một số cơ quan độc lập là Ủy ban kinh tế (Economic regulators). Theo TS. Đức, điều này ngoài việc duy trì tính khách quan của các nghiên cứu thì còn có thể giúp việc tăng giá hàng hóa (nếu có) sẽ không ảnh hưởng đến phiếu bầu của người dân cho chính phủ đương nhiệm. Ủy ban kinh tế có hai vai trò là định giá và cố vấn. Với vai trò định giá, theo quy trình, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ sẽ tự đề xuất mức giá. Ủy ban kinh tế chịu trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra ý kiến đối với đề xuất này (trong khoảng 6-9 tháng) và chờ phản hồi từ các bên liên quan. Sau khi tiếp nhận và đánh giá các phản hồi, Ủy ban kinh tế sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức giá hàng hóa, dịch vụ. Nếu doanh nghiệp không đồng ý với mức giá này thì có thể kiện các quyết định này ra Ủy ban chống độc quyền (Australian Competition Tribunals). Quyết định của Ủy ban chống độc quyền là quyết định cuối cùng, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ.

Trong khi đó, với vai trò cố vấn, các kết quả nghiên cứu được Ủy ban kinh tế sử dụng để đưa ra ý kiến tư vấn cho chính phủ, nhưng quyết định cuối cùng thuộc về chính phủ Bang. Chính phủ Bang không bắt buộc phải thực hiện theo, thậm chí có trường hợp chính phủ ra quyết định ngược với ý kiến tư vấn.

Từ bảy năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận Nghiên cứu và định giá thuộc Ủy ban kinh tế Tây Úc với trách nhiệm thực hiện các nghiên cứu và đề xuất các chính sách chống độc quyền, TS. Đức cho rằng nhà nghiên cứu khi mở một cánh cửa thì phải đảm bảo rằng mình có khả năng đóng cánh cửa đó. Vì mỗi quyết định chính sách có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của hàng triệu người dân Úc và lợi nhuận của các doanh nghiệp, những nghiên cứu phục vụ cho chính sách kinh tế thường gặp phải nhiều tranh luận từ phía doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu khác. Một trong những nghiên cứu mà TS. Đức thực hiện nhiều nhất và gặp nhiều tranh luận nhất là nghiên cứu về chi phí sử dụng vốn. Chi phí sử dụng vốn chỉ cần chênh lệch 0,1% thì cũng đã thay đổi hàng triệu đô lợi nhuận của doanh nghiệp. Với ảnh hưởng lớn như vậy, các doanh nghiệp có thể mời những giáo sư, nhà nghiên cứu lớn trên thế giới để đưa ra các bằng chứng thuyết phục cho đề xuất của họ và phản bác lại kết quả nghiên cứu của Ủy ban kinh tế. Do vậy, các nghiên cứu phục vụ cho tư vấn chính sách cần được thực hiện một cách minh bạch và nhất quán.

Trong phần trình bày của mình, TS. Đức sử dụng hai nghiên cứu về chi phí sử dụng vốn vay và chi phí phí sử dụng vốn chủ sở hữu để minh họa về những vấn đề gặp phải trong quá trình từ kết quả nghiên cứu đến hình thành các chính sách trên thực tiễn. TS. Đức đã nghiên cứu xây dựng một phương pháp xác định chi phí sử dụng vốn vay mới, đơn giản và minh bạch hơn các phương pháp trước đây, đặt tên là ‘bond-yield approach’. Phương pháp này khi mới công bố và sử dụng đã gặp phản đối rất mạnh từ nhiều doanh nghiệp vì kết quả xác định chi phí vốn từ phương pháp này thấp hơn so với các phương pháp khác 100 đến 150 điểm cơ bản, gây thiệt hại[1] lớn cho doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng phương pháp này đã bị kiện bởi các doanh nghiệp, nhưng tòa án cạnh tranh liên bang (ACT) xác định đây là một phương pháp hợp lý. Nhóm nghiên cứu của TS. Đức cũng đã tiến hành kiểm định sự phù hợp của mô hình đa nhân tố (multi factor models) cho phép xác định chi phí vốn chủ sở hữu. Cần lưu ý rằng, xác định chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu rất phức tạp. Một số nhà nghiên cứu đã nhận được giải Nobel danh giá cho những nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến xác định chi phí vốn chủ sở hữu như Giáo sư Sharpe và gần đây nhất là Giáo sư Fama.

Nghiên cứu phục vụ cho quyết định chính sách thường phải đứng giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, theo TS. Đức, nhà nghiên cứu cần phải độc lập, trung lập, trung thực và không sợ hãi. Nhà nghiên cứu phải thực sự khách quan, không đứng về bên nào và đè nén bên nào. Mức giá được quy định phải phù hợp với chi phí của doanh nghiệp và tương xứng với lợi ích đem lại cho người tiêu dùng. Nếu định giá quá cao, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt do phải trả mức giá lớn hơn lợi ích nhận được, ngược lại, định giá quá thấp thì các doanh nghiệp sẽ không đầu tư sản xuất. Một nghiên cứu dù uyên thâm như thế nào thì mỗi góc nhìn khác nhau đều sẽ đưa ra những quan điểm khác nhau. Do đó, các nghiên cứu phải minh bạch, thể hiện đầy đủ các kết quả chứ không chỉ trình bày kết quả có lợi cho một phía hay theo ý của nhà cầm quyền. Nhà nghiên cứu phải không sợ hãi để có khả năng chịu được áp lực và bảo vệ kết quả của mình trước những phê phán từ các nhóm khác nhau vì các kết quả nghiên cứu này khi đi vào chính sách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các đối tượng có liên quan. Do vậy, TS. Đức nhấn mạnh rằng “không sợ hãi” là điều rất cần thiết cho các nhà nghiên cứu tư vấn chính sách.

THẢO LUẬN

Một khách mời chia sẻ rằng, khi thực hiện một chính sách thì Việt Nam cũng quan tâm đến nhiều vấn đề nhưng rất ít thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách kỹ lưỡng. Chẳng hạn như khi xem xét về tính khả thi của chính sách thu phí đường bộ, gần như không có nghiên cứu nào về chi phí thực thi chính sách để xác định trước là việc thu phí này có hiệu quả hay không. Do vậy, khi đi vào thực hiện thì các cơ quan thực thi phản ánh rằng chi phí để thu phí đường bộ còn cao hơn số phí thu được. Ngoài ra, các nghiên cứu của các nhà khoa học thường chỉ được chuyển cho cơ quan chính sách khi kết quả nghiên cứu ủng hộ chính sách, còn nếu phản biện hoặc đi ngược với chính sách thì sẽ không được xem xét. TS. Đức cho biết, ngay cả ở Úc, nhà nghiên cứu đôi khi cũng không thể thuyết phục được chính phủ ban hành chính sách đúng theo kết quả nghiên cứu nên buộc phải nhượng bộ, thỏa thuận để có thể ban hành các chính sách gần nhất với kết quả nghiên cứu của mình.

Một khách mời từng tham gia vào hoạt động nghiên cứu phục vụ cho các quyết định chính sách cho biết, ở Việt Nam, việc nghiên cứu để ra quyết định chính sách thường do Nhà nước chỉ định cho một cơ quan cụ thể thực hiện hoặc giao cho một nhóm nghiên cứu được tập hợp từ nhiều viện nghiên cứu hay các trường đại học khác nhau. Các kết quả nghiên cứu từ những nhà nghiên cứu độc lập thường không được xem xét trong việc ra quyết định chính sách. Thậm chí, các kết quả nghiên cứu khoa học độc lập muốn đăng tạp chí trong nước cũng phải qua các khâu kiểm duyệt kỹ lưỡng để không đi ngược với chính sách của nhà nước.

Khách mời khác cho rằng, Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên rất khó học theo mô hình ra quyết định chính sách của Úc. Mỗi vấn đề thường gặp phải quan điểm khác nhau từ các ban ngành và không có đầu mối cụ thể cho việc thực hiện hay đánh giá chính sách nên rất khó để ra các quyết định chính sách. Ngay từ thuật ngữ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã không rõ ràng để cung cấp định hướng cho việc ra chính sách. TS. Đức đồng ý rằng, mỗi thể chế có đặc điểm khác nhau nên cách tư vấn cho chính sách nhà nước từ kết quả nghiên cứu cũng sẽ khác nhau. Do vậy, việc tư vấn chính sách tốt nhất phải đến từ các nhà nghiên cứu trong nước. Ở Úc, để giữ vững sự trung lập của các nhà tư vấn và ban hành chính sách, Úc quy định một số vị trí có quyền quyết định không được giao cho một người đảm nhiệm quá lâu để tránh hình thành các mối quan hệ giữa các cá nhân, đơn vị có liên quan dẫn đến việc ra quyết định thiếu khách quan. Về vấn đề thể chế, một khách mời khác giới thiệu rằng Kỷ yếu Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 có thể cung cấp thông tin tổng thể và khá đầy đủ để người đọc có thể nắm bắt thực trạng về tình hình kinh tế và thể chế Việt Nam.

Một số khách mời khác quan tâm về số liệu phục vụ cho nghiên cứu. Khách mời cho rằng ở Việt Nam, số liệu công bố là đã được điều chỉnh, sai lệch nhiều nên khó để đưa ra những kết quả nghiên cứu chính xác để làm cơ sở cho việc ra các quyết định chính sách, khi số liệu sai thì các chính sách được đưa ra cũng sai. Theo TS. Đức, điều lý tưởng nhất là có số liệu chính xác để nghiên cứu và đưa ra các quyết định chính xác. Nhưng nếu không thực hiện được điều lý tưởng này thì phải lựa chọn điều tốt thứ hai, tức là khi không có số liệu chính xác thì cũng cần phải thực hiện nghiên cứu dựa trên số liệu hiện có để có cơ sở gần đúng cho việc đưa ra các chính sách.


[1] Chi phí vốn là một cấu thành trong chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Khi chi phí vốn được xác định thấp sẽ dẫn đến mức giá hàng hóa, dịch vụ được cơ quan định giá quy định ở mức thấp, do đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"