Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Kỹ năng nghề nghiệp
Phỏng vấn năng lực hành vi – 7 điều nhà tuyển dụng muốn biết
Nếu bạn đọc những cuốn sách về phỏng vấn tuyển dụng, bạn sẽ nhận ra chúng có một điểm chung là liệt kê sẵn những câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn thông dụng để bạn học thuộc lòng. Trên thực tế, cuộc phỏng vấn không phải là một cuộc chất vấn, mà là một cuộc trò chuyện giữa Nhà tuyển dụng (NTD) và ứng viên. Để mọi thứ diễn ra như vậy, bạn nên chuẩn bị thật nhiều những câu chuyện nhỏ về nghề nghiệp và cả cuộc sống của bạn.

Việc này đặc biệt hữu ích với những cuộc phỏng vấn năng lực hành vi (competence-based interview) đang rất phổ biến. Theo cách phỏng vấn truyền thống, NTD chỉ đặt ra một số câu hỏi để kiểm tra xem bạn có những kỹ năng và kiến thức mà công việc yêu cầu hay không; nhưng trong những buổi phỏng vấn năng lực hành vi, NTD sẽ hỏi sâu hơn để tìm hiểu chính xác hơn về tính cách và những phẩm chất của bạn nhằm trả lời cho câu hỏi: liệu bạn có phù hợp với văn hóa của công ty hay không?. Những phẩm chất này được gọi là “năng lực hành vi”.

Để đánh giá toàn diện năng lực của bạn, NTD chia thời gian phỏng vấn thành hai phần để tìm hiểu về kỹ năng và năng lực hành vi. Họ muốn nghe những dẫn chứng cụ thể của bạn về cách bạn đã xử trí ra sao trong những tình huống xảy ra trong quá khứ. NTD sẽ muốn biết:

- Bạn có phải là người mang đến lợi ích thiết thực cho công ty? Nói cách khác, bạn có thể mang về lợi nhuận hay tiết kiệm chi phí cho công ty hay không?

- Bạn có phải là một nhân viên có tinh thần làm việc tập thể? Liệu bạn có phù hợp với cơ cấu tổ chức của công ty hay bạn có nguy cơ làm đình trệ hoạt động của công ty? Bạn có thể đảm nhận công việc hay đưa ra những quyết định hợp lý hay không?
- Bạn có hòa nhập được với văn hóa công ty không? Vì không một NTD vào muốn nhận những “người thích làm ngôi sao” vào công ty của họ.

Cách tốt nhất để trả lời những câu hỏi này là tự chuẩn bị một vài câu chuyện hay để “kể” với NTD. Mỗi câu chuyện nên có độ dài vừa phải, trình bày trong khoảng thời gian từ 30 đến 90 giây.

Bạn có thể xây dựng câu chuyện dựa trên 7 chủ đề sau:

1.    Những lần bạn giúp tăng lợi nhuận hay tiết kiệm chi phí cho công ty bạn đang làm việc hoặc công ty cũ.

2. Một tình huống nan giải bạn từng gặp trong cuộc sống hay công việc và cách bạn xử lý được nó.

3. Một dịp bạn làm việc theo nhóm và có những đóng góp cụ thể cho thành quả chung của nhóm.

4. Một lần bạn phải đương đầu và vượt qua những áp lực lớn trong công việc.

5. Một lần bạn thể hiện kỹ năng lãnh đạo hoặc chỉ đạo tốt trong công việc.

6. Một lần bạn gặp thất bại trong công việc và cách bạn đã vượt qua nó.

7. Những sự kiện mang tính bước ngoặt xảy ra trong sự nghiệp của bạn, khiến bạn thay đổi hướng phát triển sự nghiệp và những lợi ích từ việc này đem đến cho bạn.

Hãy nhớ: cuộc phỏng vấn tuyển dụng không phải là một buổi chất vấn, mà là một cuộc trò chuyện giữa hai bên với vị thế ngang bằng nhau. Hiểu được điều này tức là bạn đã tiến một bước gần hơn đến mục tiêu giành được công việc mong muốn. Một cuộc trò chuyện tốt đẹp chính là chìa khóa để vượt qua vòng phỏng vấn và giành được công việc như ý. Muốn làm được như vậy, bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng những câu chuyện bạn muốn kể cho NTD nghe trước khi dự phỏng vấn.

(Theo careerbuilder.com)
Nguồn: vietnamworks.com